- Vì sao LHQ không đồng thuận về vấn đề Syria?
- Nga không tham gia cuộc họp “Nhóm những người bạn Syria”
Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, Mỹ hy vọng rằng Nga đã nỗ lực thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt tình trạng bạo lực.
"Chúng tôi hy vọng rằng Nga đang đưa ra thông điệp nghiêm khắc nhất có thể với ông Assad và ít nhất là sử dụng mọi biện pháp để Tổng thống Syria nhận thức rằng cộng đồng quốc tế ngày càng phản đối những hoạt động của ông”, Toner nói trong một cuộc họp báo tại Washington vào ngày thứ Tư (22/2).
Người dân ủng hộ Tổng thống al-Assad (Ảnh Tân Hoa xã) |
Ngăn chặn nội chiến
Con số tử vong tại Syria tăng vọt trong 2 tháng qua, vượt qua con số 5.400 theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Mỹ và phương Tây đang tăng áp lực với Nga để nước này từ bỏ ủng hộ cho chế độ của ông Assad.
Trước đó, đầu tháng 2, Nga và Trung Quốc, 2 thành viên thường trực HĐBA LHQ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của LHQ yêu cầu Tổng thống al-Assad từ chức. Coi đó là sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của Syria, Moscow và Bắc Kinh nhấn mạnh rằng chính quyền Syria và lực lượng đối lập đang đổ lỗi cho nhau về tình hình bạo lực leo thang.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Iran Mahmoud Ahmadinejad đã thảo luận tình hình tại Syria trong một cuộc điện đàm hôm 22/2. Tổng thống Nga mong muốn có một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay do chính người Syria thực hiện và chỉ sử dụng biện pháp hòa bình, không có bất kỳ sự “can thiệp nước ngoài” và đồng ý rằng “mục đích chính hiện nay... là để ngăn chặn một cuộc nội chiến, có thể gây mất ổn định tình hình trong toàn bộ khu vực", tuyên bố của điện Kremlin cho biết.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Syria hồi đầu tháng 2 để hội đàm với ông Assad. Moscow cũng đã đề xuất đứng ra tổ chức đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Chính phủ Syria ra sức khôi phục lại an ninh và ổn định sau khi cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao với nước này.
Trong 2 tuần qua, Syria đã tăng cường chiến dịch đàn áp vào các nhóm vũ trang đối lập. Chính phủ cáo buộc các nhóm đối lập là nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn, các vụ giết dân thường vô tội.
Trong khi đó, các quốc gia trong thế giới Arab cũng như phương Tây đã đe dọa thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với Syria và hỗ trợ các lực lượng đối lập.
“Nhóm những người bạn Syria” có thực là bạn?
Mới đây, một số nước đã triệu tập đại sứ tại Syria về nước và tổ chức một cuộc họp "Nhóm những người bạn Syria". Cuộc họp được tổ chức tại Tunisia ngày 24/2, nhằm mục đích thống nhất các nhóm đối lập như là một lực lượng mạnh mẽ chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: Ria Novosti) |
Chính quyền Syria thông qua các phương tiện truyền thông chính thức, chỉ trích cuộc họp là kích động rạn nứt nội bộ và mở rộng vòng xoáy bạo lực ở nước này.
Trong khi đó, có những báo cáo chưa chính thức cho rằng Qatar và Saudi Arabia đã kêu gọi Jordan thành lập trại cho các tay súng, rất có thể là các chiến binh al-Qaeda chạy trốn khỏi Iraq.
"Liệu có thể kết thúc khủng hoảng bằng cách vũ trang cho các nhóm đối lập không?" Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tân Hoa xã, Muneir al-Hamwi, một sinh viên đại học đặt câu hỏi. "Chúng tôi đã có đủ bạo lực, căng thẳng và lo âu... chúng tôi muốn thoát khỏi tình trạng này nhưng tất nhiên không phải bằng cách gửi thêm vũ khí vào nước này".
Một người đàn ông Syria Mohammad Abbas nói rằng, đồng hương của mình "thà rằng gây áp lực với các nhóm đối lập để tham gia vào một cuộc đối thoại hoà bình với chính phủ còn tốt hơn".
Cuộc họp tại Tunisia sẽ có đại diện của Liên đoàn Arab, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ. Nga và Lebanon đã chính thức cho biết họ sẽ không tham dự.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc họp "đơn phương" sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria khi chính phủ nước này không được tham gia.
Nga là một nước luôn ủng hộ đối thoại giữa chính phủ Syria và các nhóm đối lập mà không cần điều kiện tiên quyết cũng như đã đề xuất đứng ra tổ chức đàm phán cho 2 bên.
Iran, đồng minh thân cận của Syria, nói rằng phương Tây không hy vọng đạt được sự ổn định Syria. “Sự ổn định ở Syria chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại”.
Một số đại biểu tham dự cuộc họp nói rằng cuộc họp tại Tunisia nhằm ngăn chặn kịch bản Iraq được lặp lại ở Syria.
Ngoại trưởng Tunisia nói: "Chúng ta nên bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria... chúng tôi không muốn một kịch bản Iraq lặp lại ở Syria". Ông cho biết thêm rằng cuộc họp sẽ gửi một thông điệp tới chính phủ Syria, yêu cầu chính phủ nước này chấm dứt tình trạng bạo lực.
Chính phủ Syria đã đổ lỗi cho tình trạng bất ổn ở Syria là do lực lượng khủng bố được các nhóm vũ trang nước ngoài hậu thuẫn./.