Từ đầu năm 2012, khu vực đồng euro bắt đầu lún sâu vào khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp. Nhiều bước ngoặt đã được ghi nhận trong nền tài chính châu Âu vào thời điểm giữa năm. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi khẳng định, thể chế tài chính này sẽ làm bất cứ điều gì để cứu đồng euro. Với tuyên bố mua lại trái phiếu chính phủ của các nước đang gặp khó khăn tài chính từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã tăng 10 cent, chứng khoán châu Âu cũng tăng 10%. Chi phí vay mượn của các nước như: Italia và Tây Ban Nha, đã giảm xuống, từ đó nguy cơ tan vỡ khu vực đồng ơrô giảm đáng kể.

Tuy vậy, đến thời điểm gần cuối năm, Liên minh Châu Âu lại đang cho thấy những dấu hiệu của “sự kiệt sức” vì khủng hoảng tài chính. Những con số mới được công bố thể hiện rõ nhất tình trạng khó khăn của lục địa già. Đầu tiên, tỷ lệ tăng trưởng trong quý III/2012 tại châu Âu đã tiếp tục giảm 0,1%, sau khi trải qua quý II cũng không mấy sáng sủa.

Còn tại khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 với hầu hết trong số 17 nước khu vực này xuống mức 0,1% so với mức 0,5% trước đó. Hàng loạt các tổ chức xếp hạng tín dụng thế giới đều đưa ra những cái nhìn ảm đạm về bối cảnh kinh tế châu Âu. Câu hỏi được đặt ra là “Liệu giai đoạn tồi tệ nhất đối với kinh tế châu Âu đã qua hay chưa?”

Trả lời câu hỏi này, nhà phân tích kinh tế David Jones cho rằng: “Chúng ta đã chứng kiến sự lắng dịu của các thị trường trong 6 đến 8 tháng qua. Chúng ta đã chứng kiến thị trường chứng khoán tại Đức cao trong nhiều năm qua. Chỉ số chứng khoán FTSE của Anh dường như sẽ đạt mức cao trong năm nay. Do đó, các thị trường khác sẽ tiếp tục xu hướng tăng này”.

Còn theo nhà phân tích Majoj Ladwa, những trở ngại vẫn còn rất lớn đối với các thị trường vào năm 2013, kể cả khi Ngân hàng trung ương các nước cam kết tiếp tục in tiền nhằm đảm bảo cho hoạt động trơn tru của hệ thống tài chính thế giới. Ông Ladwa cho rằng, “vách đá tài chính” Mỹ không chỉ kìm hãm nền kinh tế đầu tàu thế giới, mà còn khiến các đối tác của thị trường nhập khẩu lớn này gặp điêu đứng. Ông ví von rằng “Mỹ bị đóng băng thì phần còn lại của thế giới cũng phải chịu lạnh”.

“Khi các thị trường bắt đầu giao dịch trở lại, và nếu vấn đề này không được giải quyết, thì các thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu giao dịch ở mức tiêu cực. Ở một mức độ nào đó, có thể nói nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong quý I hoặc quý II/2013”-Majoj Ladwa dự báo.

Nói đến kinh tế châu Âu, không thể không nhắc đến Hy Lạp, vốn được coi là “nút thắt” trong bài toán về vấn đề nợ công. Với Hy Lạp, năm 2012 là một năm được xem là tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công. Một số nhà phân tích đã tin rằng, những khoản nợ khổng lồ và sự suy thoái trầm trọng sẽ buộc Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tuy vậy, Hy Lạp lại đang nhận được những đánh giá lạc quan cho năm tới. Cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard and Poor’s đã tăng chỉ số tín nhiệm quốc gia Hy Lạp lên mức B-, cho thấy triển vọng “khá ổn định” của “xứ sở thần thoại”.

Giáo sư kinh tế Panagiotis Petrakis, thuộc trường Đại học Tổng hợp Athens nhận định: “Năm 2012 là năm Hy Lạp chìm sâu trong khủng hoảng nợ. Năm tới vẫn sẽ còn không ít khó khăn đối với Hy Lạp, song tình hình khả quan hơn chút ít so với năm nay. Có thể nói, năm 2012, Hy Lạp đã đến giới hạn của khủng hoảng hay đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất”.

Cho dù vẫn còn không ít chông gai trên con đường dài phía trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hy vọng, năm tới sẽ là giai đoạn để khối này gạt bỏ mâu thuẫn, cùng chung tay xây dựng, khôi phục lại hình ảnh vốn có của Liên minh Châu Âu./.