Mỹ đã “nói hết lý lẽ” về Triều Tiên và Trung Quốc cần phải quyết định liệu nước này có sẵn lòng ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn của Liên Hợp Quốc sau 2 vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng trong tháng này hay không. Đó là tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đưa ra hôm qua (30/7).
Máy bay ném bom siêu thanh B-1B của Mỹ. (Ảnh: Không quân Mỹ/Reuters) |
Đại sứ Haley cho biết, bất cứ nghị quyết mới nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) “mà không tăng cường đáng kể áp lực quốc tế đối với Triều Tiên đều không có giá trị”.
Bà Haley cũng nêu ra một số phương án tăng cường trừng phạt như cấm cung cấp dầu cho các chương trình quân sự và vũ khí của Triều Tiên, thắt chặt kiểm soát đường không và đường biển với nước này cũng như áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với quan chức cấp cao ở Bình Nhưỡng.
“Trung Quốc phải quyết định liệu nước này có chấp nhận bước đi cần thiết đó hay không. Thời gian cho việc đối thoại đã hết” - bà Haley cho biết thêm.
Trước đó, Mỹ đã thảo luận với Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, về một dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng. Đại sứ Haley đã chuyển cho phía Trung Quốc bản dự thảo nghị quyết này từ sau vụ phóng ICBM lần đầu của Triều Tiên ngày 4/7. Đầu tuần trước, bà Haley còn cho biết, Mỹ đang đạt được những tiến bộ với Trung Quốc trong vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/7 cho biết, nước này phản đối các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây là sự vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, đồng thời hy vọng “tất cả các bên hành động một cách thận trọng, không để căng thẳng leo thang”.
Trước thông tin Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đề nghị 15 nước thành viên HĐBA LHQ nhóm họp hôm nay (31/7) về Triều Tiên, Đại sứ Haley cho rằng “chẳng có nghĩa lý gì khi kêu gọi họp khẩn nếu nó không đem lại kết quả nào”.
Hiện chưa rõ các thành viên khác của HĐBA, trong đó hiện có Nhật Bản, có định yêu cầu tổ chức một cuộc họp như vậy hay không.
Các nhà ngoại giao tại LHQ cho biết, Trung Quốc và Nga chỉ coi các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân là yếu tố thúc đẩy các lệnh trừng phạt từ HĐBA.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Quốc phòng Nga nhận định vũ khí Triều Tiên thử hôm 28/7 vừa qua chỉ là tên lửa tầm trung. Nga và Mỹ cũng có tranh cãi tương tự về loại tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 4/7 mà theo Moscow cũng chỉ là tên lửa tầm trung chứ không phải ICBM như Mỹ và phương Tây nói.
Trong khi đó, Mỹ vừa cử 2 máy bay ném bom siêu thanh B-1B đến bán đảo Triều Tiên để thị uy với Bình Nhưỡng. Hai máy bay ném bom này cất cánh từ căn cứ không quân cử Mỹ ở đảo Guam và tham gia với các máy bay chiến đấu của Nhật Bản, Hàn Quốc trong một cuộc tập trận.
Cũng trong ngày hôm qua (30/7), Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ thông báo nước này vừa bắn hạ thành công một quả tên lửa tầm trung trong lần thử mới nhất của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Vụ thử hoạt động của THAAD này đã được lên kế hoạch từ trước khi căng thẳng lại bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 29/7 yêu cầu tổ chức thảo luận với Mỹ về việc triển khai thêm các bộ phận của THAAD tại đây. Đây là một sự chuyển biến của chính phủ mới ở Hàn Quốc bởi Ông Moon Jae-in vốn là người phản đối kịch liệt quyết định lắp đặt hệ thống này tại đây./.Chuyên gia nói gì về tầm bắn “phủ cả nước Mỹ” của tên lửa Triều Tiên?