Hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì vừa khai mạc tại thành phố Bonn, Đức theo hình thức trực tuyến. Đây là cuộc họp chính thức đầu tiên của Liên Hợp Quốc về khí hậu kể từ sau Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 25 về biến đổi khí hậu (COP25) tại Madrid, Tây Ban Nha, cách đây 18 tháng và là sự chuẩn bị cho COP26 tại Glasgow, Anh, vào cuối  năm nay.

Sự kiện này cũng đánh dấu việc nối lại các cuộc đàm phán quốc tế bị trì hoãn do đại dịch Covid-19 về những vấn đề khí hậu mang tính sống còn đối với hành tinh. 

Phát biểu mở màn vòng đàm phán, Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc Patricia Espinosa kêu gọi các nước sẵn sàng cho những quyết định quan trọng tại COP26. Theo quan chức Liên Hợp Quốc này, điều quan trọng nhất phải làm là bù đắp khoảng thời gian đã bị bỏ lỡ và để COP26 sắp tới là một thành công của sự hợp tác toàn cầu.

Vòng đàm phán tại Bon nhận được nhiều kỳ vọng khi diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hồi tháng 4 vừa qua. Sự kiện được đánh giá là đã thổi luồng sinh khí mới cho ngoại giao khí hậu, vốn đã trở nên “trì trệ” dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cùng sự trở lại của Mỹ với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia phát thải hàng đầu cũng gia tăng các cam kết về cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc Patricia Espinosa, chống biến đổi khí hậu là một nghĩa vụ tập thể và không ai được phép nằm ngoài cuộc chơi.

Bà này nói: “Chúng ta thực sự đang trong một tình huống khẩn cấp toàn cầu. Đây là lời nhắc nhở rằng chúng ta có một nghĩa vụ tập thể, mà cộng đồng quốc tế đã cam kết với niềm tin về những lợi ích tốt nhất cho hành tinh. Chúng ta không được phép bỏ lại ai phía sau và cũng không ai được phép nằm ngoài cuộc chơi. Nếu nhìn vào cách mọi người thích ứng với thực tế mới, mà cụ thể ở đây là dịch bệnh Covid-19, thì chúng ta vẫn có thể hi vọng và điều quan trọng là chúng ta không được phép từ bỏ.”

Tuy nhiên con đường phía trước vẫn còn dài và Liên Hợp Quốc trong những tháng vừa qua đã không ngừng gia tăng các cảnh báo. Bởi để giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì từ nay đến năm 2030, thế giới phải cắt giảm được tới 45% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2010.

Cũng giống như nhiều sự kiện quốc tế khác trong suốt hơn 1 năm qua, hội nghị sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến và đặc biệt là theo nhiều múi giờ khác nhau để tập hợp sự tham gia của nhiều nước nhất có thể.

Theo bà Aurore Mathieu, Giám đốc Chính sách Quốc tế tại RAC, một mạng lưới tập hợp nhiều hiệp hội chống biến đổi khí hậu, vòng đàm phán tại Bonn sẽ là một phép thử quan trọng. Dù không một quyết định hay văn kiện chính thức nào được đưa ra, song vòng đàm phán tại Bonn sẽ tạo nền tảng cho Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 26 về biến đổi khí hậu tại Anh vào cuối năm nay. Trọng tâm thảo luận sẽ bao trùm  nhiều vấn đề cấp bách đối với Hành tinh Xanh, đặc biệt là quy tắc hoạt động của “các chợ carbon” trong tương lai, xây dựng lộ trình chung nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính hay cơ chế đánh giá việc thực hiện các cam kết về khí hậu.

Một vấn đề khác cũng đặc biệt được dư luận quan tâm là tài trợ của các nước giàu nhằm giúp những nước nghèo tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị tại Bonn lần này, song theo các nhà quan sát, đây là một vấn đề có ý nghĩa về mặt tinh thần và có thể quyết định đối với thành bại của Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 26 về biến đổi khí hậu tại Anh vào cuối năm 2021./.