Các nhà đàm phán của Israel và Palestine ngày 17/8, đã nối lại đàm phán để tìm giải pháp ngừng bắn lâu dài tại dải Gaza trong bối cảnh lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày kết thúc vào lúc 4h sáng 18/8 (theo giờ Việt Nam). 

Phái đoàn Palestine, ngoài phong trào Hamas, còn có đại diện phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, và nhóm vũ trang Jihad của Palestine. 

gaza_zmzu.jpgMột ngôi nhà của người Palestine bị trúng bom của Israel (Ảnh AP)

Cho đến nay, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza vẫn hết sức khó khăn do khó có thể đáp ứng yêu cầu của cả Israel và phong trào Hamas. Bất đồng lớn nhất vẫn là việc dỡ bỏ phong tỏa dải Gaza và phi quân sự hóa vùng lãnh thổ này. 

Người phát ngôn phong trào Hamas Sami Abu Zuhri khẳng định, một thỏa thuận lâu dài chỉ có thể được ký kết, nếu nó đáp ứng được yêu cầu của người Palestine về việc dỡ bỏ hoàn toàn sự bao vây, phong tỏa và chiếm đóng. 

“Chúng tôi muốn một thỏa thuận đáp ứng nguyện vọng của người Palestine. Chúng tôi khẳng định Hamas sẵn sàng cho mọi sự lựa chọn. Quả bóng đang ở bên phía Israel. Tùy thuộc vào quyết định của Israel mà chúng tôi sẽ đưa ra lựa chọn của mình”, ông Zuhri nói. 

Nhiều người Palestine ủng hộ phong trào Hamas hôm qua đã tuần hành ở Rafah bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà đàm phán Palestine trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza. 

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại cuộc họp Nội các ngày 17/8 cảnh báo sẽ không chấp nhận ngừng bắn nếu an ninh của Israel không được bảo đảm. 

Theo ông Netanyahu, Hamas sẽ sai lầm khi cho rằng có thể sử dụng rocket để buộc Israel nhượng bộ. Còn Bộ trưởng tình báo và các vấn đề chiến lược Israel Yuval Steinitz tái khẳng định yêu cầu phi quân sự hóa Gaza mà theo ông này đã được nêu trong thỏa thuận Oslo. 

“Phi quân sự hóa Gaza đã được bảo đảm trong thỏa thuận Oslo, theo đó sẽ không có rocket, không có tên lửa ở Gaza. Vấn đề này cần được đưa trở lại vào bàn đàm phán. Bên cạnh đó sẽ không thể có một cảng biển hay sân bay mà không có cam kết về phi quân sự hóa vùng lãnh thổ này”, ông Steinitz nói. 

Cơ quan y tế Gaza cho biết, tính đến nay, hơn 2.000 người Palestine, trong đó khoảng 540 trẻ em đã bị cướp đi mạng sống và hơn 10.000 người bị thương kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự nhằm vào vùng lãnh thổ này “chật hẹp và đông đúc này” từ ngày 8/7 vừa qua. 

Các nhà quan sát nhận định, triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa Israel và Palestine vẫn hết sức mong manh. Mặc dù vậy, thất bại của cuộc đàm phán này không có nghĩa là chiến sự tiếp diễn trở lại ngay lập tức với cường độ như trước. 

Bởi Israel tiếp tục bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì gây ra thương vong lớn cho dân thường ở Gaza. Ngay trong nội bộ Israel ngày càng có nhiều người muốn hòa bình với Palestine mà cụ thể nhất là hôm 16/8 hàng nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Tel Aviv kêu gọi Chính phủ nối lại đàm phán toàn diện, để tìm kiếm một giải pháp triệt để cho cuộc xung đột với người Palestine./.