Hôm qua (9/12), tại Washington (Mỹ), đại diện của chính quyền Israel, Jordan, Palestine đã ký thỏa thuận chia sẻ nguồn nước. Ngân hàng Thế giới đánh giá đây là “sự kiện có tính bước ngoặt” tại khu vực Trung Đông.

Các bên đã kí văn bản ghi nhớ và vạch ra cơ chế chia sẻ nguồn nước. Theo đó, một nhà máy khử muối tại thành phố cảng Aqaba bên bờ biển Đỏ sẽ được xây dựng để sản xuất 80 triệu m3 nước ngọt phục vụ cho Israel và Jordan.

Israel sẽ có trách nhiệm tăng lưu lượng nước từ biển Galilee cho cư dân vùng hạ nguồn ở miền Bắc Jordan sử dụng. Thỏa thuận mới này sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng ở miền nam Israel và miền Bắc Jordan. Còn đối với Palestine, nhà máy nước Mekrot của Israel sẽ đảm nhận việc chuyển 20 triệu đến 30 triệu m2 nước (đã khử mặn) tới cho khu Bờ Tây.

Đánh giá về thỏa thuận này, Bộ trưởng Israel phụ trách về Năng lượng và Nguồn nước Silvan Shalom cho biết: “Các nhà lãnh đạo Israel, Palestine, Jordan đã chứng tỏ cho chúng ta thấy, khi giới lãnh đạo thực sự đồng lòng, thì sẽ đạt được thỏa thuận. Chúng ta có thể tin rằng, thỏa thuận quan trọng giữa 3 nước sẽ là tia hy vọng để chúng ta tiếp tục có những sự đồng thuận, tiến tới nền hòa bình toàn diện ở khu vực”

Bộ trưởng Jordan Hazim El-Naser nhấn mạnh ý nghĩa của thỏa thuận chia sẻ nguồn nước giữa ba bên:  “Thỏa thuận này mang nhiều khía cạnh nhân đạo vì có nhiều người đang mong chờ được sử dụng nước từ dự án mới này. Bởi lẽ, vẫn có nhiều người hàng ngày mong có đủ nước sạch để dùng. Trung Đông là nơi khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là Jordan. Đó là lý do nước có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất nghiêm túc đối với các dự án chia sẻ nguồn nước.”

Bộ trưởng Palestine Shaddad Attili cũng nhận mạnh, Israel, Jordan, Palestine nằm ở vùng khan hiếm nước của thế giới. Việc hợp tác chia sẻ nguồn nước, sử dụng nước hiệu quả sẽ góp phần ổn định hòa bình tại khu vực./.