Đây là một diễn biến đáng lo ngại, bởi từ Ramadi, nhóm nổi dậy có thể tạo đà để tấn công thủ đô Baghdad, cách đó chỉ khoảng 100 km.

ra_hysf.jpgĐoàn người Iraq rời khỏi Ramadi khi IS tấn công thành phố (ảnh: AP)
Gần 1 năm sau khi phát động cuộc tấn công nhằm vào vùng Al Anbar và chiếm được quyền kiểm soát thành phố Mossoul lớn thứ 2 Iraq, Nhà nước Hồi giáo hôm qua một lần nữa tiến đến khu vực này, bất chấp các đợt tấn công mạnh mẽ của quân đội Iraq và không quân nước ngoài.

Trụ sở chính quyền thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh chiến lược ở miền Tây Iraq này đã rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo và thành phố này đang đứng trước nguy cơ thất thủ.

Theo thị trưởng thành phố Ramadi Dalaf Al- Kubaisi, cờ của Nhà nước Hồi giáo đã xuất hiện tại thành phố và tình hình đang hết sức nguy ngập. Hàng chục nghìn người dân đã  chạy khỏi thành phố và hiện đang lánh nạn tại thành phố Habbaniyah cách đó không xa về phía Đông và gần thủ đô Baghdad.

Nếu Nhà nước Hồi giáo chiếm được quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này, thì đây sẽ là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của nhóm nổi dậy, buộc quân đội Iraqvà các đồng minh một lần nữa phải xem xét lại chiến lược của mình.

Nhà nước Hồi giáo hiện kiểm soát hầu như toàn bộ vùng Al Anbar, khu vực có đông người Sunny sinh sống. Kiểm soát được Mossoul và Ramadi cũng đồng nghĩa việc an ninh các quốc gia láng giềng như Syria, Jordan và Saudi Arabia đứng trước những nguy cơ lớn.

Việc Ramadi thất thủ và rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo cũng được xem là một đòn mạnh đối với chính phủ của Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi, vốn luôn coi việc giành lại quyền kiểm soát Al Anbar là mục tiêu hàng đầu của quân đội sau khi giành lại được thành phố chiến lược Tikrit ở miền Bắc. Cách thủ đô Baghdad khoảng 100 km về phía Tây, Ramadi cũng có thể sẽ trở thành bàn đạp để nhóm nổi dậy tiến đánh thủ đô.

Không chỉ Ramadi, Nhà nước Hồi giáo cũng đang tìm cách siết chặt vòng vây với Baghdad từ nhiều hướng. Hiện nhóm nổi dậy cũng đang có lợi thế tại khu vực gần thị trấn ngoại ô cách Bát-đa 50km về phía Tây; đồng thời kiểm soát được thị trấn Juba, cách Bát-đa 180km về phía Tây Bắc.

Trong bối cảnh này, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg mới đây dù đánh giá cao những thành công trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, song cũng thừa nhận, liên quân quốc tế vẫn phải hành động nhiều hơn thế.

“Một trong những vấn đề quan trọng hiện này là chúng ta phải xem xét những biện pháp cụ thể để có thể làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến dài hơi này. Tất cả các nước đồng minh đều tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo và tôi cho rằng một lý do giúp liên minh hành động hiệu quả  là do chúng ta đã có nhiều năm kinh nghiệm, làm giàu khả năng phối hợp trong các chiến dịch quân sự quốc tế."

Có thể thấy, gần một năm sau khi phát động chiến dịch không kích nhằm vào Nhà nước hồi giáo, Mỹ và các đồng minh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra một chiến lược hiệu quả nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm nổi dậy. Thành quả lớn nhất đến nay mà chiến dịch không kích này có thể đem lại là giúp chính phủ và quân đội Iraq giành lại quyền kiểm soát thành phố Tikrit hồi đầu năm, song từ đó tới nay, cuộc chiến vẫn chưa đạt được bước đột phá nào.

Chắc chắn đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài, bởi nó không chỉ là về mặt quân sự, mà còn làm một cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm ngăn chặn nhóm nổi dậy truyền bá những tư tưởng cực đoan./.

Xem thêm:IS thảm sát 23 dân thường, bao vây thành cổ 2.000 tuổi ở Syria