Ngày 13/10, một quan chức cấp cao Iran cho biết, các quan chức tham gia vào quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ đưa ra một đề xuất mới vào ngày 15/10 nhằm thuyết phục các bên liên quan rằng, chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.

quoc-hoi-iran-1.jpg
Tổng thống Iran Hassan Rowhani (trên màn hình) phát biểu tại Quốc hội Iran ở Tehran (Ảnh: AFP)

Ông Abbas Araghchi, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, người cũng tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân diễn ra ở Geneva trả lời các phương tiện truyền thông Iran cho hay, đoàn Iran sẽ trình bày một kế hoạch gồm 3 bước. Theo đó, chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn nhằm mục đích dân sự và nước này không hề có ý định phát triển công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Ông Araghchi nói: “Chúng tôi cần phải tiến tới một lộ trình xây dựng lòng tin với phương Tây. Đối với họ, niềm tin được xây dựng thông qua việc chúng tôi thực hiện một số cam kết về hạt nhân, và chúng tôi sẽ làm vậy khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ”.

Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bế tắc 10 năm qua với phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Các biện pháp trừng phạt đã cản trở khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Iran và không cho nước này có cơ hội tiếp cận với hệ thống ngân hàng quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi không tiết lộ chi tiết về kế hoạch mới. Ngày 11/10, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trên tài khoản Twitter cá nhân cho rằng, đề xuất mới của Iran sẽ được trình bày tại Geneva sớm nhất vào ngày 15/10, và ông kêu gọi các bên không đồn đoán.

Trong khi đó, phương Tây bày tỏ quan ngại Iran đã làm giàu được uranium 20% và chỉ cần một vài bước kỹ thuật nữa là có thể chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ thông tin trên và khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự.

Ông Araghchi phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran cho biết: “Tất nhiên chúng tôi sẽ đàm phán về hình thức, số lượng và mức độ làm giàu uranium. Tuy nhiên, việc chuyển nguyên liệu được làm giàu ra khỏi Iran là ‘giới hạn đỏ’ đối với chúng tôi”.

Ông cũng nhắc lại rằng Iran sẽ kiên quyết theo đuổi quyền phát triển hạt nhân hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời cho biết Iran sẽ đàm phán nghiêm túc và tích cực tại Geneva để các bên có thể đi tới một thỏa thuận cùng chấp nhận được.

Tổng thống Rowhani cũng tuyên bố sẽ quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân, miễn là có “những dấu hiệu tích cực” từ phương Tây. Mục tiêu của Iran là để phương Tây chấp nhận những gì mà các quan chức nước này gọi là sự thật trên thực địa và đồng ý để Iran có thể tiếp tục làm giàu uranium.

Ông Araghchi nói: “Sẽ là một chiến thắng cho Iran khi chúng tôi tiếp tục với các kế hoạch hạt nhân của mình. Phía bên kia cũng chiến thắng khi họ được đảm bảo chắc chắn rằng Iran không hề có ý định phát triển vũ khí hạt nhân”.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và phái đoàn đám phán cấp cao nước này sẽ rời Tehran ngày 14/10 để tới Geneva đàm phán. Dự kiến, ông Zarif sẽ đưa ra đề xuất mới của Iran tại ngay phiên khai mạc và thảo luận chi tiết với các đại diện dự họp của nhóm P5+1. 

Ngoài ra, ông cũng sẽ có cuộc gặp với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, về kết quả của vòng đàm phán.

Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích dân sự, nhưng phương Tây lại cho rằng, đó là vỏ bọc cho tham vọng phát triển vũ khí giết người hàng loạt. Mối quan hệ có dấu hiệu “ấm dần” lên gần đây giữa Iran và Mỹ đã làm gia tăng hy vọng về khả năng các bên có thể đạt được những tiến bộ tại Geneva./.