Các báo cáo viên đánh giá cao các nỗ lực chống khủng bố của Lực lượng G5 Sahel và hoan nghênh sự hỗ trợ của các lực lượng khác như Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA), Liên minh châu Phi (AU), Văn phòng LHQ về Tây Phi và Sahel (UNOWAS) và Liên minh châu Âu (EU) cho Lực lượng G5 Sahel. Về các biện pháp cần triển khai trong thời gian tới, các báo cáo viên nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện kết hợp các nội dung kinh tế, phát triển và nhân đạo trong giải quyết các thách thức nêu trên, kêu gọi hỗ trợ tài chính bền vững, lâu dài cho lực lượng G5 Sahel. Một số ủng hộ thành lập một Văn phòng LHQ hỗ trợ G5 Sahel chống khủng bố.

Các nước thành viên HĐBA LHQ nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng tại khu vực trong các nỗ lực đẩy lùi khủng bố tại Sahel. Các nước bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo, nhân quyền, mất an ninh lương thực, người dân mất nhà cửa và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại khu vực. Các nước kêu gọi thực hiện nghiêm túc Luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, trong đó có bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các nước thành viên HĐBA ở khu vực Châu Phi và một số nước khác phát biểu ủng hộ sáng kiến thành lập Văn phòng của LHQ hỗ trợ G5 Sahel chống khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ chia sẻ với những quan ngại về các thách thức an ninh, phát triển và nhân đạo tại khu vực Sahel. Đại sứ kêu gọi tất cả các bên cùng nỗ lực, đoàn kết chống khủng bố và nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện cho các quốc gia Sahel nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân của khủng bố song song với thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển. Đại sứ ủng hộ sáng kiến của Niger, Kenya, Saint Vincent & the Grenadines và Pháp về việc thành lập Văn phòng của LHQ hỗ trợ G5 Sahel chống khủng bố./.