Theo các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc, Dự thảo nghị quyết về Syria qui định các biện pháp ràng buộc pháp lý đối với việc Syria phải tiêu hủy vũ khí hóa học nhưng không tự động cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực.

Ban đầu, 3 quốc gia là Mỹ, Anh và Pháp muốn nghị quyết Liên Hợp Quốc này áp dụng Chương 7 Hiến chương Liên hợp quốc, vốn cho phép các hành động quân sự và phi quân sự nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh.

Tuy nhiên, Nga đã phản đối quan điểm này và buộc Mỹ cùng các nước phương Tây phải từ bỏ một số đòi hỏi ban đầu. Theo đó, dự thảo nghị quyết được thỏa thuận chỉ ghi, nếu Syria không tuân thủ nghị quyết thì cần có biện pháp trừng phạt bổ sung do Hội đồng Bảo an đề nghị chứ không phải là bắt buộc phải có ngay hành động quân sự chống lại Damascus.

Hội đồng Bảo an đã thông qua bản dự thảo nghị quyết về Syria (Ảnh Reuters)

Bản dự thảo cũng vạch rõ trách nhiệm mà phía Syria phải thực thi với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về vũ khí hóa học cũng như trách nhiệm của nước này trong việc mời các thanh sát viên quốc tế đến kiểm soát và tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học.

Dự thảo này đạt được sau khi Nga và Mỹ đã thống nhất về việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 26/9.

Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Tôi rất hài lòng khi có một cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Chúng tôi đã đã được thỏa thuận liên quan trong vấn đề Syria. Chúng tôi đang làm những công việc cuối cùng nhằm thống nhất văn bản. Chúng tôi hy vọng  sẽ đạt được tiến bộ trong việc loại bỏ và phá hủy vũ khí hóa học từ Syria”.

Các quan chức Mỹ đã gọi thỏa thuận này là một bước ngoặt "mang tính lịch sử" sau các bước đi ngoại giao khó khăn, bởi nó đã đặt việc cam kết thực thi của chính quyền Tổng thống Syria  al-Assad dưới sự giám sát của quốc tế.

Liên quan đến thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, ngày 26/9, trả lời nhật báo "al-Akhbar" của Lebanon, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết ông vui mừng vì trút bỏ được gánh nặng về vũ khí hóa học và tỏ ra hài lòng về thỏa thuận Mỹ-Nga.

Ông al-Assad giải thích rằng, việc Syria sở hữu hơn 1.000 tấn hóa chất đã trở thành gánh nặng đối với quốc gia đang bị bao vây này. Ông nhấn mạnh, việc loại bỏ những chất hóa học này sẽ rất tốn kém và cần nhiều năm làm việc vất vả, cùng với những hậu quả đối với môi trường. Vì vậy, tốt nhất là đưa những vũ khí này khỏi Syria.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Syria, mục đích của Phương Tây và Mỹ không phải là vũ khí hóa học Syria mà nhằm phá vỡ cán cân quyền lực ở Trung Đông và đảm bảo an ninh của Israel. Ông al-Assad cũng chỉ trích Mỹ khi đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên sự ổn định của thế giới bằng tuyên bố sử dụng quân sự đa phương như ở Syria: “Nước Mỹ có lợi ích trên thế giới, nhưng những lợi ích đó không được đặt trên sự ổn định của thế giới”./.