Vào năm 1963, một phóng viên phát thanh, một nữ sinh và một y tá đã đứng sát hiện trường vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Cảnh tượng kinh hoàng
Khi Tổng thống John F. Kennedy đến thị trấn Dallas (hiện nay là thành phố Dallas), ông Pierce Allman lúc đó còn là một trưởng ban tin tức trẻ tại một đài truyền thanh và truyền hình địa phương. Ông Allman đã bị cuốn theo dòng người bám sát đoàn xe diễu hành của Tổng thống và cảm thấy cực kì phấn khích khi được tận mắt chiêm ngưỡng vị Tống thống trẻ tuổi và phu nhân rất quyến rũ của ngài.
Tổng thống Kennedy và phu nhân tại lễ diễu hành (Ảnh PSB) |
Những gì ông Allman nhìn thấy ngày hôm đó đến tận bây giờ vẫn xuất hiện trong những cơn ác mộng của ông với những tiếng súng nổ và sau đó là bàn tay của Tổng thống Kennedy nắm chặt cổ họng của mình trong khi Đệ nhất Phu nhân đang gào thét.
“Đó quả là một cảm giác rất hỗn loạn và mọi thứ rất sống động trước mắt tôi”, Allman nói “Những cảnh tượng này dường như là mới trải qua ngày hôm qua hay vài hôm trước chứ không phải là đã 50 năm rồi. Đến giờ tôi vẫn nghe rõ tiếng súng nổ trong vụ ám sát đó”.
Thành phố Dallas đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm vụ ám sát Tổng thống Kennedy lần đầu tiên sau đúng nửa thế kỷ. Một đám đông 5.000 người được lựa chọn thông qua kết quả xổ số sẽ tập trung tại Công viên Dealey Plaza để chứng kiến lễ giới thiệu tượng đài Tổng thống Kennedy tại đây và sau đó họ sẽ tham gia vào các hoạt động văn nghệ trước khi lắng nghe sử gia David McCullough đọc lại những bài phát biểu nổi tiếng của Tổng thống.
Vào lúc 12h30, thời điểm Tổng thống bị ám sát ngày 22/11/1963, tất cả các quả chuông tại thành phố Dallas sẽ cùng đổ chuông và mọi người sẽ dành một phút mặc niệm cho Ngài.
Ông Allman, người đã giành được vé tham dự lễ kỷ niệm này, là một trong số rất nhiều người dân Texas sẽ kể về bi kịch ngày hôm đó để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí họ như thế nào.
Bà Tina Towner Pender, lúc đó mới là một cô nữ sinh 13 tuổi, hồi tưởng lại việc bà đã bị “choáng ngợp” bởi Đệ nhất Phu nhân Kennedy và sau đó “sững sờ” trước tiếng nổ to như tiếng pháo.
Bà Phyllis Hall, lúc đó là một y tá tại Bệnh viện Parkland, vẫn nhớ như in cảnh tưởng hỗn loạn khi Tổng thống được đưa vào phòng cấp cứu và Đệ nhất phu nhân Kennedy không chịu rời chồng mình.
Bà Hall giờ đã không còn ảo tưởng gì về hệ thống chính trị của nước Mỹ, ông Allman vẫn còn kinh ngạc về việc một tay súng có thể thay đổi lịch sử nước Mỹ ghê gớm như thế nào và bà Pender thì vẫn nhớ như in cái ngày mà “những người trưởng thành” không biết phải nói gì hay nên làm gì.
Bởi vì, cả 3 người đều chứng kiến tận mắt thảm kịch này và họ cũng cảm thấy áp lực trách nhiệm nặng nề của họ trong việc chia sẻ những gì họ biết và cảm nhận ngày 22/11/1963.
Quang cảnh náo nhiệt trong lễ đón Tổng thống
Ông Allman, lúc đó mới 29 tuổi, đã dành hẳn vài tuần để lên kế hoạch cho việc đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Kennedy.
Ông Allman nhớ lại, một vài quan chức tại Texas đã công khai bày tỏ lo ngại về an ninh trong chuyến thăm của ngài Tổng thống thuộc đảng Dân chủ bởi vì “nhiều vị khách đến Dallas bị đối đãi rất tệ”.
Trước đó, đám đông những người bảo thủ tại Dallas đã ngắt lời Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson và Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Adlai Stevenson. Một người biểu tình thậm chí còn đánh ông Stevenson bằng một tấm bảng.
Ông Allman đứng trước tòa nhà Kho Sách Giáo khoa Texas nơi trước đó ông gặp nghi phạm Oswald (Ảnh AFP) |
Sáng ngày Tổng thống Kennedy đến thị trấn Dallas, bầu trời xám xịt đã bắt đầu hửng nắng và Ông Allman lái chiếc xe mui trần của mình đến chỗ làm việc trong khi lắng nghe bản tin về chuyến thăm của Tổng thống Kennedy tới Love Field. Ông Allman cảm thấy rất phấn khích khi nghe tin Tổng thống sẽ chào đón đám đông dân chúng trong diễu hành trên chiếc limousine đã được lật mui.
“Khi nghe tin này tôi đã quyết định đi bộ đến đó để trực tiếp xem đoàn diễu hành”, ông Allman nói.
Ông Allman và một người đồng nghiệp đã chạy thẳng tới đường Houston để đón đoàn diễu hành. Trong lúc chạy ông đã để ý thấy hai bên đường có nhiều tòa nhà cao tầng với rất nhiều cửa sổ vẫn đang mở toang.
“Tôi không thể hiểu nổi làm sao họ có thể đảm bảo an ninh trong tình huống này”, ông Allman kể lại. Ông cũng cho biết cả hai người đã tìm được một chỗ đứng tại góc ngã tư đường Houston và đường Elm đối diện với Kho Sách Giáo khoa Texas.
Ông Allman sau đó đã bị Sở Mật vụ thẩm tra và phải kể lại xem những gì đã diễn ra sau đó hàng chục lần trong nhiều thập kỷ qua.
Cùng với bà Pender và bà Hall, những gì mà ông Allman kể lại được các chuyên gia tại Bảo tàng Sixth Floor, những người chuyên nghiên cứu về vụ ám sát Tổng thống Kennedy, coi là hoàn toàn đáng tin cậy.
“Vụ ám sát này giờ đã trở thành một phần của đời tôi,” ông Allman nói.
Cùng thời điểm đó, bà Pender cùng bố mẹ mình đang đợi đoàn xe diễu hành. Bố mẹ bà định đưa bà trở lại trường sau khi bà giúp bố mình quay phim đoàn xe đi qua. Bà vẫn mặc đồng phục của trường, một chiếc áo len màu xanh, váy ngắn cùng màu, tất ngắn và giày bệt. Mái tóc ngắn màu nâu của cô hơi uốn xoăn.
Bố của bà có một chiếc máy ảnh Yashica 44 và đưa cho bà một chiếc máy quay phim Sears Tower Varizoom sử dụng phim 8-mm chuyên dùng để quay phim cho gia đình.
“Lúc đó trong máy không còn nhiều phim lắm nhưng vẫn đủ cho lễ diễu hành này”, bố của bà Pender nói với bà.
Pender và mẹ của mình chọn một góc đường để đứng chờ và lần lượt ngồi trên chiếc ghế xếp mà họ đã mang sẵn đi. Bố của bà gợi ý cả nhà đi lên một quả đồi có nhiều cỏ ở hướng Nam nhưng cả hai người đều không đồng ý. Gần 12h30 trưa thì họ nhận thấy chiếc limousine đang tiến vào Công viên.
“Rất nhiều người dân hò reo khi đoàn xe đang tiến vào”, bà Pender nói. Bà còn nhớ bố mình đã đề nghị một sỹ quan cảnh sát cho phép cả gia đình đến sát lề đường ngay đoạn rẽ để ông và con mình có thể chụp ảnh đoàn xe.
Chiếc xe limousine chở gia đình Kennedy ngồi sau Thống đốc bang Texas John Connally và phu nhân rẽ từ đường Houston sang đường Elm. Bà đã nâng ống ngắm lên trong khi tay còn run lẩy bẩy vì quá phấn khích. Bà rất muốn được chụp ảnh hại vợ chồng Tổng thống và bà thực sự rất ấn tượng bởi vẻ đẹp của Đệ nhất Phu nhân. “Dường như lúc đó Đệ nhất Phu nhân đang nhìn chúng tôi”, bà Pender kể lại.
Bà đã ngừng quay phim vài giây sau khi chiếc limousine rẽ vào đoạn đường mới.
Vụ ám sát xảy ra
Sau đó đột nhiên bà nghe thấy tiếng nổ to như tiếng pháo và ai đó giật mạnh tay bà kéo bà nằm xuống đất. Một lát sau thì bà đứng dậy nhưng không thấy bố mẹ mình đâu nữa vì họ đã bị “nuốt chửng” vào trong đám đông đang hoảng sợ.
Khi bà phát hiện ra bố mẹ bà đang ở gần đó thì bố bà, một cựu chiến binh và là một xạ thủ vốn hiểu rất rõ về tiếng súng nổ đã hét lên: “Có ai đó đang cố ám sát Tổng thống”! Ông nhanh chóng rời mắt khỏi chiếc máy chụp ảnh và nhìn về hướng quả đồi để điều tra thêm.
Bà Pender hiện tại (trái) và lúc còn là nữ sinh (Ảnh LA Times) |
Trong lúc đó, ông Allman, đang đứng tại một điểm rất thuận lợi, đã nhìn thấy cánh tay Tổng thống co rúm lại ngay sát cằm.
Ông Allman còn nghe thấy tiếng thét thất thanh của Đệ nhất Phu nhân Kenedy: “Ôi Chúa ơi”! và thấy bà bò sát lại bên Tổng thống.
Khi Allman nhìn lên phía tòa nhà của Kho Sách Giáo khoa Texas, ông cảm thấy như mình nhìn thấy nòng một khẩu súng trường thò ra khỏi một cửa sổ của tòa nhà. Ông định chạy lên phía quả đồi nhưng sau đó đổi ý. “Tôi cần phải gọi điện cho ai đó”, ông Allen kể.
Khi ông đang chạy lên bậc thang của tòa nhà, có một người đang ông lạ mặt chạy vụt qua ông ở lối ra vào. Người đàn ông lạ mặt này rất gầy gò, tóc đen sẫm và có quầng thâm ở mắt. Ông Allen hỏi người này xem liệu mình có thể tìm thấy điện thoại ở đâu?
Vừa chạy, người đàn ông này vừa trỏ tay về phía tòa nhà và nói: “Ở đây này”.
Sau này, ông Allman mới biết người mà ông gặp tên là Lee Harvey Oswald, nghi phạm số một trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Hỗn loạn tại bệnh viện
Khi Tổng thống đang trên đường đến bệnh viện Parkland, bà Hall vội vã chạy đến phòng cấp cứu ngay khi bác sỹ thông báo:” Có một tai nạn xảy ra với đoàn xe diễu hành của Tổng thống và họ đang trên đường đến đây”.
“Tôi nghĩ rằng cửa phòng cấp cứu dường như bật tung ra”, bà Hall cho biết: “Tôi không nghĩ mình còn thời gian để suy nghĩ gì nữa, mọi người rất náo loạn và phòng cấp cứu lúc đó đầy tiếng la hét”.
Tổng thống Kennedy được chuyển đến trước tiên, sau đó là những người khác trong đoàn xe diễu hành.
Bà Hall cho biết: “Họ còn chở cả Phó Tổng thống Johnson đến. Ông rõ ràng là đang bị đau tim và sắc mặt của ông rất tệ. Sau đó họ đưa Thống đốc Connally đến và máu của ông vẫn đang tuôn ra vì ông bị bắn vào phổi. Nó giống như là trong một bản tin thời sự khi mà bạn biết tất cả những người có mặt trong đó chỉ khác một điều là họ đều đang rất hoảng loạn”.
Ngay sau đó, bà Hall nhìn thấy FBI, cảnh sát và các nhân viên Mật vụ ở khắp nơi và họ đều mang vũ khí. Một người đàn ông mang súng trường tiến lại gần bà và nói với bà rằng “Tôi cần cô ra chỗ này”, và chỉ cho bà ra phòng cấp cứu số 1. Căn phòng nhỏ đầy chật các bác sỹ, y tá và nhiều người khác khiến cho bà Hall bị đẩy sát vào tường.
Bà Hall nhận thấy hai mắt của Tổng thống Kennedy bầm tím và có một lỗ đạn gần yết hầu của ông. Bà Hall kiểm tra mạch của Tổng thống nhưng không nhận thấy gì cả. Bà Hall theo dõi một bác sỹ đang làm phẫu thuật mở khí quản cho Tổng thống ngay tại vết thương ở cổ của ông.
Bà Hall trước cửa bệnh viện Parkland nơi Tổng thống Kennedy được đưa vào sau khi bị bắn (Ảnh LA Times) |
Bà cũng nhìn thấy Đệ nhất Phu nhân Kennedy đứng gần bên chồng và chiếc áo vest hiệu Channel của Phu nhân dính đầy dịch não của chồng mình. Một bác sỹ còn vén tóc của Tổng thống để xem xét vết thương.
“Phu nhân Kennedy đứng cạnh giường của Tổng thống và nắm chặt tay ngài”, bà Hall kể lại “Bà ấy bị sốc nặng và chỉ nhìn chằm chằm vào mặt chồng. Bác sỹ đến tận nơi hỏi bà xem bà có muốn ngồi ghế ở ngoài hành lang để chờ không nhưng bà đã từ chối và nói rằng bà sẽ ở lại với chồng mình”.
Bà Hall cũng cho biết là các bác sỹ cũng đã cố gắng hết sức để cứu chữa cho Tổng thống nhưng họ cũng không thể làm được gì nhiều”.
Vào lúc 1h chiều, Bác sỹ William Kemp Clark tuyên bố Tổng thống Kennedy đã qua đời.
Bác sỹ Clark nói với bà Kennedy trong khi đang đi ngang qua bà rằng: “Thưa bà, chồng của bà đã mất”.
Bà Hall ngay lập tức tiến lại gần Đệ nhất Phu nhân và nói “Tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát này của bà”, nhưng dường như bà Kennedy chỉ nhìn chăm chăm vào một chỗ và không nghe được gì.
Trước đó, bà Pender đã quay được khoảng 15 giây về đoàn diễu hành của Tổng thống trong khi bố của bà chụp được 4 bức ảnh bao gồm 1 bức khi chiếc limousine chuyển hướng và 3 bức khác ở gần quả đồi bao gồm cả một bức ảnh một sỹ quan cảnh sát quỳ xuống và rút súng ra.
Sau đó gia đình bà quay lại chiếc Buick màu xanh của gia đình và lắng nghe bản tin.
“Bố mẹ tôi hỏi tôi xem liệu tôi có muốn quay trở về trường hay không nhưng tôi cũng không biết phải trả lời thế nào”, bà Hall kể lại “Lúc đó thì cũng không ai biết mình phải làm gì”.
Sau đó bố mẹ bà đưa bà trở lại trường học. Khi bà đến nơi, các bạn của bà đang lắng nghe bản tin phát trên loa của trường.
Bà Hall cho biết: “Lúc đó bạn bè tôi cũng chả biết nói gì, thậm chí các thầy cô giáo cũng vậy.
Trong những ngày sau đó, cảnh sát yêu cầu những người quay phim đoàn xe của Tổng thống cung cấp các đoạn phim này để điều tra và bố của bà đã làm theo yêu cầu này. Một vài tuần sau, sau khi xem xong đoạn phim đó thì FBI đã trả lại gia đình bà.
Khi được chiếu trên máy chiếu trong phòng tối tại nhà, gia đình bà nhìn thấy cảnh chiếc limousine của Tổng thống chuyển hướng sang bên trái và Phu nhân Kennedy trông rất bình thản và rạng ngời.
Ám ảnh đến hiện tại
Bà Pender hiện đã 63 tuổi và đang sống tại trung tâm bang Texas gần Austin. Bà đã chuyển toàn bộ số phim mình quay được cho Bảo tàng Sixth Floor nằm chính tại kho sách ngày xưa. Gần đây bà cũng đến Bảo tàng để ký tên vào cuốn hồi ký của bà mang tên “Tina Towner: Câu chuyện của tôi với tư cách là nhiếp ảnh gia trẻ tuối nhất trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy”.
Bà Pender dự định sẽ theo dõi lễ tưởng niệm này tại nhà qua vô tuyến truyền hình.
“Không thể tin được rằng đã 50 năm trôi qua. Dường như mọi chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua hoặc nó xảy ra với một ai khác. Tôi phải luôn nhắc nhở mình rằng mình đã từng ở đó, rằng vụ ám sát đã xảy ra và rằng đó là một thảm kịch mang tính toàn cầu”, bà Pender kể lại.
Bà Hall, 78 tuổi, sẽ không tham dự lễ tưởng niệm, nhưng bà thỉnh thoảng vẫn đến công viên Dealey Plaza. Nhiều thập kỷ trôi qua khi nhiều người nói về ngày hôm đó thì bà vẫn không tiết lộ về những gì mình chứng kiến. Mãi tận 4 năm trước khi bà được mời phát biểu tại Bảo tàng Sixth Floor và chứng kiến đám đông vẫn rất quan tâm đến vấn đề này bà Hall đã quyết định rằng bà sẽ kể lại câu chuyện của mình. “Mọi người đều có quyền biết rõ vụ này”, bà Hall nói.
Vụ ám sát Kennedy đã làm lung lay đến tận gốc niềm tin của bà và bà bày tỏ nghi ngờ về những cáo buộc chính thức rằng Oswald đã hành động một mình.
“Tại thời điểm đó Tổng thống Kennedy đã đem lại niềm tin cho mọi người”, bà Hall nói “Nhưng chỉ trong khoảnh khắc niềm tin này đã hoàn toàn biến mất”.
Ông Allman, giờ đã 79 tuổi, là chủ của một doanh nghiệp bất động sản và marketing, đôi lúc vẫn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông nhìn lên tòa nhà Kho Sách Giáo khoa Texas sớm hơn và bắt gặp nghi can Oswald trên cửa sổ tầng 6 hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu ông có thể nhận ra tên sát thủ khi hắn chạy qua ông ở lối ra vào? Liệu điều này có giúp cảnh sát tóm được Oswald trước khi hắn trốn được đến Oak Cliff và bị bắn chết bởi sỹ quan cảnh sát thị trấn Dallas J.D. Tippit?
Và những điều này vẫn ám ảnh ông trong giấc mơ của mình.
Trong những giấc mơ này, ông lại gặp lại người đàn ông gày gò lạ mặt ở lối ra vào. Khi ông tỉnh dậy ông biết người đàn ông đó là Oswald. Trong giấc mơ của mình ông vẫn nghi ngờ về điều này nhưng không thể nhìn rõ khuôn mặt của người đàn ông đó. Nhưng, vẫn như mọi khi, trước khi ông kịp nhớ ra thì người đàn ông đó đã biến mất./.