Indonesia chuẩn bị hành quyết thêm 11 tử tù nữa, bao gồm 2 công dân Australia, một Brazil và một Nigeria. Ngoài ra còn có hàng chục tù nhân khác chờ ngày bị hành hình. Chính phủ Indonesia đã tuyên bố họ không khoan nhượng đối với những kẻ phạm tội liên quan tới ma túy.
Day dứt tâm can
Theo viên cảnh sát được phỏng vấn, kéo cò súng là phần việc dễ nhất. Mường tưởng về những cuộc hành quyết sắp tới, anh khẳng định công đoạn tệ hại nhất là lúc tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của những người sắp sửa phải chết. Người thi hành án sẽ phải dùng dây thừng dày để buộc chân tay của phạm nhân vào một cái cột hình thập tự. Những giây phút cuối cùng này trong đời phạm nhân thực sự ám ảnh tâm lý các nhân viên công vụ.
Viên cảnh sát nói: “Gánh nặng tinh thần đối với các cảnh sát chịu trách nhiệm làm việc trước với các tử tù nặng nề hơn so với các cảnh sát chỉ có nhiệm vụ nổ súng bắn chết tử tù… Bởi lẽ những cảnh sát đó tự tay đưa tử tù ra khỏi xà lim, trói tay họ lại ngay trước khi các phạm nhân ra đi mãi mãi”.
Viên cảnh sát được phỏng vấn là một thanh niên muốn được giấu tên do tính nhạy cảm trong công việc của mình. Anh thuộc về một đơn vị trong lực lượng cảnh sát Indonesia mang tên Lữ đoàn Cơ động.
Lữ đoàn này còn có các nhiệm vụ thông thường khác bên cạnh nhiệm vụ xử tử. Họ không phải là “đao phủ” toàn thời gian mà là các viên cảnh sát được phân công thêm nhiệm vụ hành quyết.
Ngoài lương vốn có ra, họ được trả thêm thù lao chưa đến 100 USD để thực thi nhiệm vụ “đặc biệt” này.
Viên cảnh sát mà Guardian phỏng vấn độc quyền kể lại khoảnh khắc u ám trong công việc của mình, khi anh là người cuối cùng chạm vào tử tù chỉ ít phút trước khi họ “lìa khỏi cõi đời”.
Quá trình hành quyết diễn ra tại một khu đất ở bìa rừng trên đảo tù Nusa Kambangan. Một đội có nhiệm vụ áp giải và còng tay các tử tù, đội thứ 2 chính là đội xử bắn. Nhân vật cảnh sát trong phỏng vấn này từng đảm đương nhiệm vụ trong cả hai đội nói trên.
Anh kể: “Chúng tôi thấy phạm nhân ở cự ly rất gần, từ khi họ còn sống, miệng còn nói được, cho tới khi họ chết. Chúng tôi biết tường tận khoảnh khắc đó”.
Trước khi các tù nhân bị trói chặt để cố định vùng tim và toàn bộ cơ thể, viên cảnh sát hỏi họ có muốn “che kín mặt hay không”. Trước đó, tù nhân cũng có quyền xin được nhận tư vấn về tôn giáo.
Viên cảnh sát cho hay anh tránh nói chuyện với các tử tù khi anh dùng một chiếc thừng dày (tiếng Indonesia gọi là “tali tambang”) để trói quặt tay tử tù ra sau lưng và buộc vào cột. Tù nhân có thể lựa chọn tư thế quỳ hoặc đứng. Trong trường hợp nào anh cũng đối xử với phạm nhân một cách nhẹ nhàng.
Viên cảnh sát giãi bày: “Tôi không hội thoại với các tử tù. Tôi đối xử với họ như người thân trong gia đình mình. Tôi chỉ nói rằng “Tôi xin lỗi, tôi chỉ đang thực thi công vụ mà thôi””.
Theo viên cảnh sát này, khi các tử tù được áp giải từ xà lim ra pháp trường, họ đã buông xuôi trước số phận, như thể đã được định sẵn theo các đường chỉ tay của họ.
Những điều như thế này có lẽ là những gì mà Andrew Chan (31 tuổi) và Myuran Sukumaran (33 tuổi) sẽ phải trải qua. Cả hai đều bị kết án tử hình do tham gia vào đường dây buôn bán ma túy Bali Nine.
Tám tử tù khác chờ ngày hành quyết (cũng sẽ được mặc đồ trắng và bịt mắt nếu họ lựa chọn như vậy) sẽ được xếp thành hàng và bị bắn cùng một lúc.
Trong bóng đêm, một chiếc đèn sẽ rọi sáng lên một vòng tròn có đường kính 10cm. Vòng tròn này được vẽ trên áo khu vực tim của tử tù.
Đội xử bắn, gồm 12 cảnh sát thuộc Lữ đoàn Cơ động, sẽ đứng cách phạm nhân 10m. Khi lệnh ban ra, họ siết cò khẩu tiểu liên M16. Trong số này, chỉ có vài người là được cung cấp đạn thật để họ không biết ai bắn đi phát đạn kết liễu đời tử tù.
Mong được tha thứ
Trong đội xử bắn, các cảnh sát được lựa chọn dựa trên mức độ thiện xạ cũng như sức khỏe tâm thần và thể chất.
Thế nhưng cuộc phỏng vấn do tờ Guardian thực hiện cho thấy một bức chân dung phức tạp về một người vừa là “sát thủ” vừa là người lưỡng lự khi phải thi hành án. Người đó hy vọng anh sẽ được tha thứ về những gì mình đã làm.
Trước vụ hành quyết, vũ khí được đặt sẵn ở vị trí để các cảnh sát lấy.
Trong các vụ hành quyết mà viên cảnh sát này đã tham gia, vụ nào cũng diễn ra theo kế hoạch. “Mất không quá 5 phút là công việc xong xuôi”, anh nói. Anh này kể tiếp rằng, sau khi các tử tù trúng đạn, “họ mềm nhũn ngay, vì không còn sự sống nữa”.
Một bác sĩ khám nghiệm các phạm nhân để xác định xem họ đã chết hẳn chưa. Nếu tù nhân chưa chết, một viên cảnh sát được chỉ định sẽ bắn viên đạn ân huệ vào đầu tử tù ở cự ly gần.
Các thi thể sau đó được đưa tới nơi khâm liệm, nhập quan và làm lễ theo tôn giáo của từng người.
Cho dù có tin vào việc giữ hay bỏ án tử hình, viên cảnh sát cho biết anh xem vai trò của mình đơn giản chỉ là thực thi nhiệm vụ, “thực hiện mệnh lệnh dựa trên luật pháp”.
Anh nói: “Tôi bị ràng buộc bởi lời thề với tư cách là một người lính… Tử tù vi phạm pháp luật còn chúng tôi thì thực thi mệnh lệnh của chỉ huy. Chúng tôi chỉ là người thi hành bản án. Việc đó có là tội lỗi hay không tùy thuộc vào ý Chúa”. Anh này còn cho rằng, trách nhiệm về điều này còn nằm ở phía các thượng cấp của Lữ đoàn Cơ động.
Khi phóng viên hỏi liệu ký ức về các vụ hành quyết đó có lấy đi sự bình yên trong tâm trí, viên cảnh sát trả lời rằng tốt nhất không nên trở lại vấn đề này. “Bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi không đưa chuyện này ra thảo luận nữa bởi vì đó là trải nghiệm của những người làm thành viên Lữ đoàn Cơ động”.
Sau khi tiến hành việc hành quyết, các cảnh sát trải qua 3 ngày tập huấn bao gồm hướng dẫn về tinh thần và trợ giúp tâm lý.
Người ta cũng hạn chế số lượng vụ hành quyết mà một cảnh sát tiến hành.
Nhân vật được phỏng vấn nói: “Nếu chúng tôi thực hiện một hay hai vụ hành quyết thì không thành vấn đề, nhưng nếu phải làm việc này nhiều lần, chúng tôi chắc chắn sẽ bị các vấn đề về tâm lý”.
Gần đây khi trao đổi với tờ báo Jakarta Post, Chuẩn tướng Robby Kaligis, chỉ huy của Lữ đoàn Cơ động, thừa nhận các căng thẳng tâm lý mà các cảnh sát của mình phải chịu đựng.
Tướng Kaligis, cũng từng là lính trong đội xử bắn hồi thập niên 1980, cho biết: “Việc nổ súng là đơn giản nhất. Việc khó hơn là đảm bảo mọi thành viên đội xử bắn đều sẵn sàng về mặt tinh thần.”
Vị tư lệnh cảnh sát cơ động này tâm sự với tờ báo: “Tôi không muốn nhớ quãng đời đó của tôi. Chúng tôi cần tập trung vào hiện tại và tương lai”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố ông sẽ không khoan hồng đối với bất cứ tù nhân nào đang chờ ngày xử tử do các tội liên quan đến ma túy. Như vậy còn hàng chục người đang xếp hàng chờ ngày ra pháp trường ở quốc gia này.
Riêng viên cảnh sát được Guardian phỏng vấn cho biết, sau khi tham gia vài vụ xử tử, anh không muốn tham gia thêm vụ nào nữa.
“Tôi hy vọng tôi sẽ mãi mãi không phải làm việc này nữa. Có tới khoảng 50 người chờ ngày ra trường bắn, nên có thể sẽ lại đến lượt tôi phải xử bắn ai đó… Tôi không vui khi phải làm thế. Nếu có cảnh sát mới, thì hãy để cho họ làm việc này”.
Anh cảnh sát trẻ hy vọng, một ngày nào đó anh sẽ không còn nhớ những khoảnh khắc này nữa. Anh cầu nguyện rằng, cũng giống những người mà anh đã hành quyết, anh sẽ được bình yên trên cõi đời này hoặc vào kiếp sau. “Tôi hy vọng các tử tù được yên nghỉ và tôi cũng vậy”./.
>> Xem thêm: Các kiểu hành quyết của IS khiến phương Tây khiếp sợ