Quân đội Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của tổng tư lệnh Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đã giành được những thắng lợi ngoạn mục vào thời điểm chỉ 2 tuần sau khi họ mở cuộc tiến công bất ngờ vào ngày 25/6/1950 nhằm vào quân đội Hàn Quốc và đồng minh Mỹ.
Khi ấy quân đội Triều Tiên đã nhanh chóng tràn qua tất cả các tuyến phòng ngự của Hàn Quốc ở vùng biên giới, chiếm giữ thủ đô Seoul, và đã đánh bại liên tiếp quân đội Mỹ trong một chuỗi trận đánh từ Osan cho đến sông Kum.
Chiếc xe tăng này (của quân đội Triều Tiên) bị các binh sĩ do tướng Mỹ Dean chỉ huy loại khỏi vòng chiến đấu vào ngày 20/7/1950. Ảnh: National Interest. |
Tình thế ngàn cân treo sợi tóc của quân Mỹ
Lúc này, nếu thành phố Taejon của Hàn Quốc mà thất thủ nốt một cách nhanh chóng như ở các thành phố trước đó thì quân đội của ông Kim Nhật Thành đủ khả năng đánh bật quân Mỹ xuống biển ở Pusan và giành chiến thắng chung cuộc.
Phía Triều Tiên nhận thức rõ tình hình và các rủi ro có thể đến nên họ vội vàng tiến đánh Pusan để đề phòng lực lượng chi viện của Mỹ sẽ đến ngày một đông. Họ tổ chức tấn công sông Kum bằng 2 sư đoàn đủ, đó là sư đoàn bộ binh số 3 và số 4.
Sau 3 ngày bị tấn công kịch liệt không ngừng, tư lệnh sư đoàn bộ binh số 24 Thiếu tướng William Dean cùng các binh sĩ Mỹ dưới trướng của ông (bị áp đảo về số lượng trước quân Triều Tiên) đã bị đẩy lui từ sông Kum tới Taejon và một lần nữa lại bị bao vây chặt tại đây.
Tướng Dean là cựu binh Thế chiến 2 và ông hiểu rằng địa hình đô thị ở Taejon không thuận lợi cho việc phòng ngự nhưng ông không có sự lựa chọn nào khác. Không như các trận đánh trước đó, quân Mỹ giờ không thể thực hành phá vây tức thời, bởi nếu làm vậy họ sẽ càng củng cố thế trận của quân đối phương đồng thời có nguy cơ đánh mất nốt thành phố cảng Pusan (còn được viết là Busan như ngày nay).
Cấp trên của Dean, tư lệnh Tập đoàn quân số 8 tướng Walton Walker, ra lệnh cho Dean phải giữ bằng được Taejon cho tới ít nhất là ngày 20/7/1950. Sư đoàn kỵ binh số 1 và sư đoàn bộ binh số 25 (Mỹ) đang chạy đua thiết lập thế trận phòng thủ ở phía bắc Pusan, dọc theo sông Nakdong, nơi địa thế thuận lợi cho việc phòng ngự. Họ cần có thời gian để củng cố công sự trước khi lực lượng thiết giáp của Triều Tiên tới nơi.
Vào ngày 19/7/1950, quân tiên phong của Triều Tiên đã thọc sâu vào thành phố Taejon và bắt đầu tấn công các ụ pháo của Mỹ, phá hủy tất các kho lương thực, trữ nước và đạn dược mà họ tìm thấy được. Quân Triều Tiên cũng phóng hỏa đốt nhiều công trình bằng gỗ trong thành phố. Chiến trường nơi đây biến thành địa ngục.
Tướng Dean nhận được lệnh phải giữ thành phố này bằng mọi giá cho đến ngày hôm sau (20/7) và viên tướng này thực hiện mệnh lệnh một cách nghiêm túc – ông từ chối đưa sở chỉ huy của mình ra khỏi thành phố tới một nơi an toàn hơn. Thay vào đó, ông chọn việc chịu đựng sự gian khổ mà ông yêu cầu binh sĩ dưới quyền đối mặt. Quyết định này đã củng cố tinh thần cho binh lính của ông.
Tình hình của quân Mỹ ở Taejon mỗi lúc một xấu đi, khi những người lính của một sư đoàn Triều Tiên thứ 3 nhanh chóng tham chiến tại đây vào ngày 19/7. Sư đoàn đó là sư đoàn thiết giáp 105. Quân Mỹ ở thế vô cùng bất lợi do chưa sẵn sàng chiến đấu, còn nhiều cư dân địa phương lại có cảm tình với quân Triều Tiên và thông báo cho họ nhiều vị trí quân sự của quân Mỹ.
Tử thủ ở Taejon để giữ vững Pusan
Quân Mỹ đối diện với tổn thất lớn về người, thiết bị và đạn dược. Trong phần nhiều thời gian của các ngày 19 và 20/7/1950, binh sĩ của tướng Dean phải cận chiến tàn khốc với quân Triều Tiên từ nhà này sang nhà khác mà không hề có phối hợp hành động qua vô tuyến điện. Thế trận phòng ngự tan vỡ từng mảng và quân Triều Tiên thừa thắng xông thẳng vào thành phố từ phía bắc, đông và tây. Tướng Dean cố gắng thu gom binh sĩ lập những phòng tuyến mới ở các khu vực kế tiếp nhưng rồi vẫn lần lượt bị đẩy lui.
>> Xem thêm: Trận chiến vành đai Pusan
Cuối ngày 20/7/1950, tướng Dean cuối cùng ra lệnh cho tàn quân của mình rút về phòng tuyến nằm ở phía nam thành phố Taejon. Các xe tăng của sư đoàn kỵ binh số 1 tiến lên để yểm trợ cho cuộc rút lui này. Tuy nhiên đoàn xe thứ 50 khi rút khỏi thành phố đã bị quân Triều Tiên phục kích và tiêu diệt gần hết. Trận chiến Taejon kết thúc với phần thắng thuộc về phía Triều Tiên.
Thương vong của phía Mỹ là rất lớn. Sau khi bị đánh liên tiếp trong các cuộc rút lui từ Osan từ sông Kum, sư đoàn bộ binh 24 của Mỹ đã có hơn 1.000 quân nhân tử trận, gần 230 người bị thương và 2.400 người khác mất tích, trong đó có cả sư đoàn trưởng. Trong cuộc rút lui hỗn loạn, xe jeep của tướng Dean bị tách khỏi đoàn xe chỉ huy của mình và ông bị lạc vào sau chiến tuyến đối phương. Tuy nhiên, với một số ít binh sĩ còn lại và một trái lựu đạn, ông vẫn tiếp tục chiến đấu và phá hủy được một chiếc xe tăng của đối phương. Sau 35 ngày, tướng Mỹ bị quân Triều Tiên bắt làm tù binh.
Mặc dầu quân Mỹ đã thua trận Taejon với thiệt hại rất lớn, cuộc chiến của họ tại đây vẫn có giá trị đối với họ. Sự kiên định chỉ huy của tướng Dean cũng như quyết tâm của binh sĩ dưới quyền của ông trong chiến đấu dưới những điều kiện khắc nghiệt nhất đã tạo thuận lợi cho lực lượng còn lại của Tập đoàn quân số 8 đặt chân lên Pusan và tiến sâu vào trong để thiết lập một tuyến phòng ngự vững chắc tại đây.
Hoạt động phòng ngự tích cực của sư đoàn bộ binh 24 (Mỹ) cũng như các thương vong mà họ gây ra cho quân Triều Tiên trong quá trình tác chiến khi ấy đã đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình phòng thủ của quân Mỹ. Nhờ vào những nỗ lực đó, quân Mỹ đã có được nguồn tiếp tế sống còn và dồi dào ở Pusan, giúp họ đưa thêm quân và phương tiện tới để đánh lui quân đội Triều Tiên.
Trong khi đó quân Triều Tiên đã tiến quá xa và tuyến tiếp tế của họ dài tới hàng trăm dặm. Không quân Mỹ và đồng minh lúc đó bắt đầu oanh tạc các tuyến tiếp tế này của Triều Tiên và khiến ông Kim Nhật Thành mất cơ hội giành chiến thắng chung cuộc trong Chiến tranh Triều Tiên.
Như vậy, trận chiến Taejon là một thất bại ở cấp chiến thuật đối với Mỹ nhưng lại là một thắng lợi chiến lược đối với họ, giúp họ chặn lại đà thắng lợi của quân đội Triều Tiên trong tháng 7/1950./.