Vào ngày 15/6/1944, trong chiến dịch Thái Bình Dương của Thế chiến 2 (1939-1945), thủy quân lục chiến Mỹ đã tấn công mãnh liệt vào các bờ biển của hòn đảo Saipan có tầm quan trọng chiến lược và do Nhật Bản chiếm giữ khi đó. Mục đích của họ là có được một căn cứ không quân trọng yếu mà từ đó quân Mỹ có thể sử dụng các máy bay ném bom tầm xa B-29 mới của mình để tấn công thẳng vào lãnh thổ Nhật Bản.

tran_saipan_khoc_liet_3_jkci.jpg
Lính Mỹ khi đổ bộ lên bờ biển Saipan đã bị quân Nhật bắn tỉa. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ.

Trước sức kháng cự mãnh liệt của binh lính Nhật, quân Mỹ từ các tàu xe đổ bộ đã nhanh chóng thiết lập “đầu cầu”, quần thảo với lính Nhật trên đảo và đẩy lui chúng về phía bắc. Chiến sự diễn ra đặc biệt tàn khốc và giằng co quanh ngọn núi Tapotchau – đỉnh núi cao nhất trên đảo Saipan. Thủy quân lục chiến Mỹ đặt biệt danh cho một số địa điểm giao chiến trong khu vực này, như “Thung lũng Tử thần” và “Dãy đỉnh đồi Trái tim Tím”.

Khi quân Mỹ "nhốt" được quân Nhật ở khu vực phía bắc của đảo, các binh sĩ phát xít Nhật đã mở một cuộc tấn công vỗ mặt ồ ạt kiểu cảm tử nhưng không xoay chuyển được tình thế. Vào ngày 9/7, lá cờ chiến thắng của người Mỹ tung bay trên hòn đảo Saipan.

Bộ tư lệnh Mỹ nhắm tới mục tiêu Saipan

Mùa Xuân năm 1944, các lực lượng Mỹ tham gia vào chiến dịch Thái Bình Dương đã xâm chiếm các hòn đảo do Nhật Bản chiếm giữ ở khu vực giữa Thái Bình Dương dọc theo hành lang tiến tới Nhật Bản. Một đội tàu Mỹ gồm 535 chiếc chở 127.000 lính, bao gồm 77.000 binh sĩ thủy quân lục chiến, đã chiếm quần đảo Marshall. Bộ tư lệnh tối cao Mỹ sau đó tính tới việc chiếm quần đảo Mariana – tiền đồn quan trọng trong hệ thống phòng thủ của đế chế Nhật Bản.

Lúc quân Mỹ tiến công các bờ biển trên đảo Saipan vào ngày 15/6, 800 lính thủy đánh bộ Mỹ da đen thực hiện dỡ lương thực và đạn dược khỏi các tàu xe đổ bộ và cung cấp cho lực lượng Mỹ trên bờ biển. Họ là những binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ gốc Phi đầu tiên tham chiến trong Thế chiến 2.

Các tư lệnh Mỹ phân tích: Việc chiếm các đảo chính trong quần đảo Mariana – gồm Saipan, Tinian và Guam – sẽ cắt đứt Nhật Bản khỏi phần phía nam giàu tài nguyên của đế chế này và dọn đường cho việc tiến sát hơn nữa tới Tokyo. Tại Saipan - hòn đảo gần Nhật Bản nhất, quân Mỹ có thể thiết lập một căn cứ không quân trọng yếu mà từ đó các siêu pháo đài bay B-29 tầm xa của quân đội Mỹ có thể cất cánh và giáng những đòn trừng phạt xuống lãnh thổ Nhật Bản trước khi quân Đồng minh đổ bộ xuống lãnh thổ nước này.

Bộ tư lệnh quân đội Mỹ quyết định cuộc đổ bộ đầu tiên lên quần đảo Mariana sẽ được thực hiện tại đảo Saipan – đảo lớn nhất trong quần đảo này.

Saipan khi ấy đặt dưới sự cai trị của Nhật Bản từ năm 1920. Theo một số dữ liệu, lực lượng Nhật đồn trú trên đảo lên tới 30.000 quân. Saipan có một sân bay quan trọng nằm ở Aslito.

Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Holland Smith được trao một bản kế hoạch tác chiến và nhận lệnh phải chiếm được hòn đảo này trong 3 ngày. Sau khi đánh chiếm được đảo Saipan, theo kế hoạch đó, quân Mỹ sẽ nhanh chóng cơ động chiếm nốt đảo Guam và Tinian.

Tuy nhiên các cơ quan tình báo Mỹ khi đó đã đánh giá quá thấp sức mạnh của quân Nhật đồn trú trên đảo Saipan.

Đổ bộ dưới mưa bom bão đạn

Sáng ngày 15/6/1944, một đội tàu vận tải của Mỹ tập kết gần bờ biển phía nam của đảo Saipan. Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu tiến về phía bờ biển bằng hàng trăm tàu xe đổ bộ.

Các chiến hạm, khu trục hạm và máy bay Mỹ đã dọn đường cho thủy quân lục chiến bằng cách tấn công cấp tập vào vị trí của đối phương nhưng đã không thể dập tắt các hỏa điểm bố trí cẩn thận dọc theo các vách đá ở bờ biển. Hậu quả là thủy quân lục chiến Mỹ phải tiến quân dưới hỏa lực xối xả của địch.

Thủy quân lục chiến khiêng tử sĩ, trên đảo Saipan vào tháng 6/1944. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ.

Trong một cuốn sách về trận chiến Saipan, tác giả John C. Chapin – từng là một lính thủy đánh bộ Mỹ trên đảo Saipan, đã mô tả lại cảnh hỗn loạn xung quanh ông vào sáng hôm đó: “Các thi thể nằm la liệt trong trạng thái rách nát, biến dạng; các ụ súng bị phá tung và cháy rụi; các xác xe đổ bộ bốc cháy…; mùi khét lẹt của thuốc nổ; những cây xanh bị xé nát; và rải rác trên cát là những vật dụng bị bỏ đi.”

Bất chấp sự kháng cự dữ dội, 8.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ vẫn tiến lên được bờ vào sáng hôm đó. Vào cuối ngày, khoảng 20.000 lính Mỹ đã thiết lập được một “đầu cầu” trên đảo Saipan. Tuy nhiên, quân Mỹ phải trả giá bằng khoảng 2.000 lính bị thương vong trong quá trình này.

Sáng hôm sau, lính Mỹ được tăng viện thêm và bắt đầu tiến sâu vào đảo, hướng về sân bay Aslito và các lực lượng Nhật nằm ở khu vực phía nam và trung tâm của đảo. Vào ngày 18/6, quân Mỹ tiếp tục tỏa ra toàn đảo ngay cả khi lực lượng hải quân yểm trợ cho họ đã phải rời đi để đánh chặn hạm đội đế quốc Nhật được phái tới để củng cố thế phòng ngự trên đảo Saipan.

Thung lũng Tử thần

Sau khi thất bại trong việc ngăn chặn quân Mỹ đổ bộ lên đảo Saipan, quân đồn trú Nhật rút lui tới khu vực ngọn núi Tapotchau – đỉnh núi có vị thế khống chế toàn hòn đảo. Ngọn núi này nằm ở vị trí trung tâm của đảo Saipan và là nơi cao nhất của đảo, ở độ cao khoảng 457m. Sau các đợt giao chiến khốc liệt, cuối cùng quân Mỹ cũng dần đẩy lui lực lượng phòng ngự của Nhật ra khỏi vị trí tưởng chừng bất khả công phá của chúng trên các điểm cao.

Lúc cao trào của cuộc chiến, tướng Mỹ Smith ra lệnh cho một binh đoàn vượt qua một thung lũng rộng và trống trải để tiến đánh các vị trí của quân Nhật.

Một bên gờ của thung lũng này là một dãy đồi mà từ đó các binh sĩ Nhật được trang bị vũ khí hạng nặng trong công sự kiên cố đã bắn thẳng xuống đầu lính Mỹ đang tiến lại gần.

Phải đến cuối tháng 6, sau những cuộc giao tranh trên địa hình rừng núi nhiệt đới, thủy quân lục chiến mới giành được quyền kiểm soát đối với ngọn núi Tapotchau. Quân Nhật buộc phải rút lui tiếp lên phía bắc, tạo ra bước ngoặt trong trận chiến Saipan.

Quân Mỹ đã phải đối mặt với các phát súng bắn tỉa từ trong các hang, những nơi trú ẩn bí mật. Để đối phó, lính Mỹ dùng súng phun lửa tiêu diệt mục tiêu trong hang.

Nhiều dân thường Nhật Bản thiệt mạng. Quân Mỹ không phải lúc nào cũng phân biệt quân nhân với dân thường khi họ truy kích trong hang hay nghe thấy các tiếng chuyển động trong rừng rậm vì quân Nhật thường dùng dân thường làm mồi nhử để phục kích lính Mỹ.

Đòn xung phong cảm tử của lính Nhật

Vào đầu tháng 7/1944, các lực lượng của tướng Yoshitsugu Saito, tư lệnh của Nhật trên đảo Saipan , đã triệt thoái về khu vực phía bắc của hòn đảo này. Tại đó quân Nhật bị kẹp giữa hỏa lực của quân Mỹ từ trên bộ, trên biển và trên không.

Saito kỳ vọng hải quân Nhật sẽ giúp ông ta đẩy lui quân Mỹ khỏi đảo này nhưng Hạm đội Nhật đã bị đánh tan tác trong trận hải chiến trên Biển Philippines (vào các ngày 19-20/6/1944) và không bao giờ tới đảo Saipan nữa. Nhận thấy mình không thể chống cự đòn tiến công của người Mỹ, tướng Sato xin lỗi  Tokyo vì đã không bảo vệ được Saipan rồi tự sát.

Tuy nhiên trước khi chết, Saito lệnh cho tàn quân của mình mở một cuộc tấn công tổng lực và bất ngờ vì danh dự của Nhật hoàng.

Đầu sáng 6/7, khoảng 4.000 lính Nhật đồng thanh hô to “Banzai!” (nghĩa là “Vạn tuế!”), cầm lựu đạn, lưỡi lê, gươm và dao găm lao vào đội hình quân Mỹ gần cảng Tanapag. Lớp lớp quân Nhật quét qua một vài tiểu đoàn lính Mỹ, đánh giáp lá cà với họ, làm chết hoặc bị thương hơn 1.000 lính Mỹ. Nhưng sau đó quân Mỹ dựa vào lựu pháo và súng máy bắn gần để đẩy lui hoặc tàn sát gần như toàn bộ quân Nhật.

Đây là trận xung phong banzai lớn nhất của Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương. Đa phần lính Nhật chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên đòn cảm tử cũng không lật ngược được tình thế. Đến ngày 9/7, sau các đợt truy quét cuối cùng, quân Mỹ đã phất cờ chiến thắng trên đảo Saipan.

Hậu quả trận chiến

Trận đánh tàn bạo trong 3 tuần đã khiến 3.000 lính Mỹ tử trận, và hơn 13.000 lính Mỹ bị thương. Theo một số ước tính, về phần mình, quân Nhật mất ít nhất 27.000 lính.

Vào ngày 9/7 phía Mỹ tuyên bố trận chiến đã kết thúc. Hàng ngàn cư dân đảo Saipan bị bộ máy tuyên truyền của Nhật nhồi sọ rằng họ sẽ bị quân Mỹ giết nên đã tự sát bằng cách nhảy xuống từ các vách đá dựng đứng ở phía bắc hòn đảo.

Một nghiên cứu kết luận: “Tình trạng chưa hoàn thành của hệ thống phòng thủ Nhật [trên đảo Saipan] là một nhân tố quan trọng tạo nên chiến thắng quyết định của Mỹ. Các tàu ngầm tầm xa của hải quân Mỹ đã cản trở thành công nhiều tàu bè của Nhật Bản, làm giảm việc vận chuyển xi măng và các vật liệu xây dựng lên đảo để củng cố vững chắc công sự ở Saipan”.

Một tù binh Nhật trong một cuộc hỏi cung đã cho biết, nếu cuộc tấn công của Mỹ lùi lại 3 tháng thì hòn đảo Saipan sẽ thực sự bất khả công phá và số lượng thương vong (của Mỹ) còn cao hơn nhiều.

Việc Saipan thất thủ đã gây choáng váng cho giới chính trị ở Tokyo, thủ đô Nhật Bản. Ban lãnh đạo nước này hiểu rằng họ sắp lãnh các đòn sấm sét từ các oanh tạc cơ tầm xa của Mỹ.

Tướng Hideki Tojo – Thủ tướng quân phiệt của Nhật Bản, trước đó công khai hứa hẹn rằng Mỹ sẽ không bao giờ chiếm được Saipan. Trước việc để mất Saipan, ông ta buộc phải từ chức vào thời điểm một tuần sau khi Mỹ chinh phục được hòn đảo Saipan./.