Các nhân viên cảnh sát tôn giáo ở Malaysia đã đột kích vào nhà riêng của nữ diễn viên Faye Kusairi sau khi một số người tố cáo là cô đã “quá gần gũi” với một người khác phái ở một nơi cách biệt với xung quanh. Với “tội này”, người vi phạm ở Malaysia có thể bị phạt tới 2 năm tù. Vụ đột kích diễn ra vào đêm và họ thậm chí không nhận được trát nào cả.

canh_sat_malaysia_lkrz.jpg
Cảnh sát Malaysia áp giải một phụ nữ. Ảnh: Malaysian Insider.

Nhằm bắt các tình nhân đúng lúc “tình tính tang”, 5 nhân viên cảnh sát đã cắt lưới an toàn của ngôi nhà gia đình cô và phá cửa chống cháy để đột nhập vào bên trong. Nhưng ngay cả Faye cũng không có mặt trong nhà: cô đang ở bên ngoài với một người bạn. Thay vào đó, các cảnh sát chỉ thấy có cha, mẹ và em trai của cô.

Vụ việc nói trên xảy ra vào tháng 4/2016. Cô vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi chính thức nào. Faye kể: “Họ nói với cha tôi rằng họ phát hiện tôi ở cùng với chồng người khác”. Cô nói, dẫu sao, cảnh sát cũng đã sửa lại cánh cửa bị họ đập vỡ.

Thẩm quyền lớn

Nhà lập pháp Malaysia Fahri Azzat nói: “Thẩm quyền của họ giống với cảnh sát điều tra tội hình sự, như là trong trường hợp giết người”.

Hồi tháng 12/2016, các quan chức đã đột nhập vào căn hộ của một cảnh sát ở trên tầng 4. Nhưng thay vì bắt gặp cảnh “trai trên gái dưới”, họ chỉ thấy một người phụ nữ ở một mình trong một căn phòng, với cánh cửa sổ mở tung. Người tình của cô này đã nhảy từ cửa sổ xuống để tránh bị bắt, ông ta sau đó tử vong tại bệnh viện. Một viên cảnh sát khác cũng bị vài vết thương do nhảy từ trên cao xuống để chạy trốn các nhân viên đạo đức vào đêm hôm đó.

Cảnh sát tôn giáo không chỉ tìm kiếm các “tình nhân” tại các khách sạn hay tư gia. Các tội vi phạm luật Hồi giáo sharia còn bao gồm cả việc “ăn cơm trước kẻng” và tình dục ngoài hôn nhân, uống rượu, không chay tịnh trong tháng ăn chay Ramadan, hoặc là không chịu đi nhà thờ Hồi giáo vào các ngày thứ Sáu trong tuần. Các nhân viên cảnh sát đạo đức còn truy bắt những người Hồi giáo dòng Shiite (bị dòng Sunni coi là dị giáo) cũng như những người đồng tính hay chuyển giới – những đối tượng bị coi là đàn ông “ăn mặc hoặc hành động” như phụ nữ.

Phụ nữ Malaysia trong trang phục Hồi giáo. Ảnh: Flickr.

Đạo Hồi ở Malaysia ngày càng có khuynh hướng “truyền thống” trong các năm gần đây. Giới học giả tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn. Các quan chức tôn giáo mang theo truyền thông trong nhiều vụ bắt bớ. Các đoạn video ghi lại gương mặt và thông tin cá nhân của các nghi phạm được phát rộng rãi trên truyền hình quốc gia.

Hồi giáo hóa

Ở Malaysia, khoảng 60% dân số là người Hồi giáo, đa số là tộc người Mã Lai. Nhiều người khác theo đạo Hồi, Hindu, Kitô hoặc không tôn giáo.

Về lý thuyết, Hiến pháp Malaysia năm 1957 bảo đảm tự do tôn giáo cho những người không phải gốc Mã Lai. Nhưng đồng thời nó quy định đạo Hồi là quốc giáo.

Người Hồi giáo ở Malaysia chịu sự chi phối của hai hệ thống pháp luật. Một số vụ án được xử bởi các tòa án sharia cụ thể, khác với tòa của hệ thống tư pháp thông thường.

Người Hồi giáo dễ bị nhận diện do tôn giáo của họ được ghi rõ trên thẻ căn cước, trong khi những người thuộc các tôn giáo khác thì không ghi như vậy. Ai muốn kết hôn với một người Hồi giáo thì phải cải đạo sang thành Hồi giáo. Lựa chọn một tôn giáo không phải là quá trình dễ dàng, vì điều đó đòi hỏi được một tòa án Hồi giáo nào đó phê chuẩn. Tại một số bang của Malaysia, việc từ bỏ Hồi giáo là một tội hình sự.

Câu chuyện trên cũng ảnh hưởng tới những người không phải là Hồi giáo. Tất cả các phụ nữ Malaysia phải che kín chân mình khi ở bên trong một số tòa nhà của chính quyền. Bộ Phát triển Hồi giáo nước này cũng đã khuyến nghị một doanh nghiệp thay chữ “chó” bằng chữ “xúc xích” trong tên một món hàng của họ thì mới được nhận chứng chỉ halal dành cho các món ăn mà người Hồi giáo được phép ăn.

Chỉ người Hồi giáo mới được phép dùng từ “Allah” – từ gốc Arab dùng để chỉ Chúa, dù rằng đây cũng là một thuật ngữ Kitô giáo dùng để chỉ vị thần của riêng họ.

Các kinh thánh Kitô giáo bằng tiếng Mã Lai bị cấm khắp mọi nơi, ngoại trừ nhà thờ. Người Kitô giáo Mã Lai coi đây là một ví dụ về tình trạng Hồi giáo hóa ngày càng gia tăng trong quốc gia Đông Nam Á này.

Chống lễ Valentine, đòi áp dụng chế tài Hồi giáo

Ở Malaysia, người Hồi giáo bị cấm tổ chức lễ Tình yêu Valentine. Giới chức tôn giáo tuyên bố rằng đây là một ngày lễ của Kitô giáo, ngày lễ này thúc đẩy thói lang chạ và các hành vi phi đạo đức.

Năm 2017 trong một chiến dịch thường niên bài trừ ngày Valentine, một nhóm thành niên Hồi giáo đã kêu gọi phụ nữ Hồi giáo tránh sử dụng các biểu tượng cảm xúc trong các tin nhắn cũng như tránh xức nhiều nước hoa khi có mặt một nam giới nào đó không phải là người thân. Họ cũng kêu gọi thanh niên Hồi giáo công khai chỉ trích những cặp đôi Hồi giáo chưa kết hôn hẹn hò nhau vào ngày lễ Valentine 14/2.

Kể từ khi giành độc lập khỏi Liên hiệp Anh vào năm 1957, Malaysia liên tục nằm dưới sự lãnh đạo của liên minh Barisan Nasional, bao gồm các đảng đại diện cho các nhóm dân tộc lớn nhất.

Cũng trong nhiều thập kỷ, đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) đối lập tìm cách hợp pháp hóa các hình phạt khắc nghiệt theo kiểu Hồi giáo như là ném đá hay tùng xẻo. Chính quyền Malaysia đã liên tục đấu tranh chống lại các yêu sách kiểu này nhưng lực lượng lãnh đạo liên minh Barisan Nasional đã bị mất nhiều phiếu trong các cuộc bầu cử vừa qua và điều này gia tăng áp lực buộc họ có nhiều khả năng sẽ phải nhượng bộ trước các yêu sách của PAS nhằm giành lại lá phiếu cử tri.

Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết, khi sự nghiệp chính trị bị đe dọa thì Thủ tướng Malaysia Najib Razak có thể tạm gác một số nguyên tắc./.