Ở khu phố trung lưu Jamaica Estates thuộc quận Queens, ngoại ô thành phố New York, nơi cậu bé Donald Trump lớn lên, tòa nhà gia đình Trump trên đường Midland Parkway toát lên vẻ khác biệt bởi sự hoành tráng cũng như mức độ giàu sang của chủ nhân nơi đây, ông Fred C. Trump, theo Washington Post

a1_fhak.jpg
Ngôi nhà của gia đình Trump ở khu phố Jamaica Estates. (Ảnh: New York Times).

17 bậc thềm gạch dẫn tới lối vào tòa nhà trước một cổng vòm xây theo kiểu thời thuộc địa với 6 cột trụ trắng toát. Hai chiếc xe Cadillac đỗ bên đường gắn biển số có những ký tự là chữ cái đầu của tên chủ nhân: FCT1 và FCT2.

"Vào thời đó, không ai có biển số xe kiểu cá nhân hóa. Mọi người đều bàn tán về gia đình Trump vì ngôi nhà và những chiếc xe của họ", Ann Rudovsky, hàng xóm nhà Trump, cho biết.

Khác với hầu hết những gia đình trong khu phố, nhà Trump có đầu bếp, tài xế riêng và một hệ thống liên lạc nội bộ. Tivi màu, của hiếm thời đó, là một trong những trang thiết bị xa xỉ nhất mà họ sở hữu.

Donald Trump là con thứ 4 trong 5 người con của vợ chồng ông Fred C. Trump và bà Mary Trump. Người con trai cả Fred C. Trump Jr. là một phi công thích đàn đúm, ăn chơi, qua đời ở tuổi 43 vì chứng nghiện rượu. Maryanne Trump, người chị lớn của Donald Trump, là thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang Mỹ. Người chị kế Elizabeth làm thư ký hành chính. Robert, em trai Trump, cũng theo nghiệp kinh doanh. 

Ông Fred C. Trump, với bộ ria mép dày và mái tóc chải ngược, là người đàn ông nghiêm nghị, chỉn chu về hình thức. Ông luôn đeo nơ và mặc vest ngay cả lúc ở nhà. Là một người bảo thủ theo phe Cộng hòa, Fred C. Trump và vợ nghiêm cấm con cái chửi thề, gọi nhau bằng biệt danh hay bôi son.

Dennis Burnham hồi nhỏ sống cùng khu phố với gia đình Trump. Ấn tượng về hàng xóm của Burnham được truyền từ mẹ ông khi bà luôn cảnh báo ông nên "tránh xa nhà Trump ra".

"Donald nổi tiếng là kẻ thích bắt nạt, tôi chỉ là một cậu bé nhỏ con và bố mẹ không muốn tôi bị đánh", Burnham, 65 tuổi, hiện là nhà tư vấn kinh doanh ở Texas, nhớ lại.

Một lần, mẹ Burnham để ông trong chiếc cũi đặt ở sân sau, ngay sát nhà gia đình Trump. Khi quay lại, bà phát hiện Donald Trump đang ném đá vào con trai bà.

"Bà thấy Trump đang đứng ở hàng rào, lấy chiếc cũi làm mục tiêu tập ném", Burnham kể.

Bày trò phá phách 

Cậu bé Donny Trump (trái) chơi trò nhảy ngựa qua đầu một bạn học ở trường Kew-Forest. (Ảnh: Washington Post).

Thời mẫu giáo, Trump theo học tại trường tư thục Kew-Forest, nơi bắt buộc các bé gái phải mặc váy còn các bé trai mặc áo vest. Mọi học sinh phải đứng dậy khi giáo viên vào lớp.

Trump thuộc nhóm bé trai hay giật tóc các bạn gái, nói chuyện riêng trong lớp, ném giấy và đập phá bàn ghế.

Paul Onish, bạn cùng lớp của Trump thời đó, cho biết ông và Trump "có lẽ là hai học sinh phá phách nhất lớp".

Onish nói Trump thường bị phạt ở lại sau giờ tan trường và bạn bè còn đặt biệt hiệu cho hình phạt này là DT, viết tắt của từ "Donny Trump", tên thân mật dành cho Donald Trump.

"Ông ấy có đặc điểm là luôn nói ngay lập tức bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu", Donald Kass, 70 tuổi, từng là bạn học của ông Trump, cho hay.

Lớn lên một chút, ở khu phố Jamaica Estates, ai cũng biết Trump và những người bạn của ông bởi họ thường xuyên vừa cưỡi xe gắn máy vừa "la hét, chửi thề rất to", Steve Nachtigall, hàng xóm của Trump, kể. Theo lời Nachtigall, có lần, ông còn thấy họ nhảy xuống và đánh một cậu bé khác.

"Hành động đó như đoạn phim ngắn vẫn lưu lại trong tâm trí tôi vì tôi nghĩ nó quá đáng sợ và ít khi xảy ra ở độ tuổi ấy. Ông ta là một kẻ bắt nạt to mồm", Nachtigall, 66 tuổi, nay là bác sĩ ở New Jersey, nhớ lại.

Trong cuốn hồi ký tựa đề "Nghệ thuật đàm phán", Trump viết rằng lúc thiếu thời, mối quan tâm chủ yếu của ông là bày trò phá phách. Trump kể lúc học lớp hai, ông đã đấm giáo viên dạy nhạc bầm mắt vì "không biết gì về âm nhạc". 

Tuy nhiên, ông Charles Walker, giáo viên thanh nhạc mà tỷ phú New York đề cập lại nói rằng Trump chưa bao giờ đánh ông.

"Ai có thể quên nổi cậu ta cơ chứ? Cậu ta rất ương ngạnh và lỳ lợm. Cậu ta sẽ ngồi khoanh tay với gương mặt cáu kỉnh, như thể để thách thức bạn vì dám chỉ dạy điều này điều nọ khiến cậu ta không thoải mái", bà Ann Trees, 82 tuổi, người từng dạy ở trường Kew-Forest, nơi Trump học đến lớp 7, cho biết.

Năm 1958, khi mới 12 tuổi, Trump và người bạn thân Peter Brant muốn lên tàu đến Manhattan bởi đối với hai đứa trẻ đây là một miền đất hứa xa xôi và khơi gợi tò mò. Hai người đã thực hiện nhiều hành trình đến khu trung tâm Manhattan của New York mỗi dịp cuối tuần mà không xin phép phụ huynh.

Vào thời điểm gần cuối năm học lớp 7, ông Fred C. Trump nổi giận lôi đình khi phát hiện ra những con dao bấm của Donald Trump và biết được về các chuyến đi bí mật đến Manhattan. Ông quyết định phải thay đổi triệt để thái độ của con trai. Ông liền đăng ký cho con vào học tại Học viện Quân sự New York, một ngôi trường nội trú cách Jamaica Estates khoảng 113 km.

D' Antonio, cây bút viết tiểu sử, tác giả cuốn sách "Không bao giờ đủ: Donald Trump và mưu cầu thành công", cho biết quyết định của Fred C. Trump là "một phản ứng rất nghiêm khắc đối với một đứa trẻ chưa bao giờ bị bắt hoặc dính dáng đến rượu chè hay hút chích ma túy. Về cơ bản, Trump chỉ là một cậu bé ngông nghênh, tài lanh".

Tự tin và hung hăng 

Hình ảnh thiếu sinh quân Donald Trump trong cuốn kỷ yếu năm cuối cấp tại Học viện Quân sự New York. (Ảnh:Washington Post).

Tại Học viện Quân sự New York, Trump cắt tóc cua, mặc bộ đồng phục len dày và phải thức dậy mỗi sáng theo tiếng kèn hiệu báo thức. Thay vì được thưởng thức món bò bít tết do đầu bếp của gia đình chuẩn bị, Trump phải ngồi trong phòng ăn tập thể đông đúc và tự múc đồ ăn cho mình. Thay vì có phòng tắm riêng như ở nhà, ông phải tắm chung với các thiếu sinh quân khác.

Người giám sát kỷ luật của Trump là Theodore Dobias, một cựu chiến binh nghiêm khắc, từng tham gia Thế chiến II. Dobias sẵn sàng tát những cú trời giáng vào mặt các thiếu sinh quân nếu họ phớt lờ mệnh lệnh. Dobias dựng một sàn đấu quyền Anh và bắt các thiếu sinh quân bị điểm kém hoặc gặp các vấn đề kỷ luật khác đấu với nhau.

"Ngay từ đầu, cậu ta không thích bị người khác chỉ bảo, chẳng hạn như việc dọn giường, đánh giày, đánh răng, lau bồn rửa mặt hay làm bài tập về nhà", Dobias kể lại trong một cuộc phỏng vấn vào mùa thu năm ngoái khi nói về Trump.

Dobias nói ông nhận thấy Trump là người rất có động lực. "Cậu ta muốn là số một. Cậu ta muốn được chú ý. Cậu ta muốn được ghi nhận và thích những lời khen ngợi".

Trump sau đó được khen thưởng vì sự ngăn nắp và vô cùng tự hào về điểm số học tập của mình. Ông cũng thể hiện năng khiếu xuất chúng với môn bóng chày và bóng bầu dục.

Trong mắt bạn bè cùng lớp, Trump là sự pha trộn giữa hình ảnh thân thiện và kiêu căng. Trump luôn khoe khoang về khối tài sản của cha nhưng "ông ấy cũng rất tự tin và ăn nói nhẹ nhàng như thể ông ấy biết rằng việc ông ấy đạt được điều gì đó lớn lao hơn chỉ là vấn đề thời gian", Michael Pitkow, bạn cùng lớp Trump, nói.

Thỉnh thoảng, Trump xảy ra xung đột với các bạn học khác. Ted Levine, người có thời gian ở chung phòng với Trump, cho biết Trump gấp khăn và đồ lót vuông vức đến mức hoàn hảo. "Ông Tỉ mỉ" là biệt danh Levine đặt cho Trump.

Khi phát hiện giường của Levine chưa dọn dẹp trong phiên trực nhật của mình, Trump đã ném ga trải giường của Levine xuống sàn. Levine đáp trả bằng cách quăng một chiếc bốt vào Trump rồi dùng chổi đánh ông.

Quá giận dữ, Trump xô Levine về phía cửa sổ tầng hai. "Ông ấy cố đẩy tôi ra ngoài, nhưng hai bạn học đã can ngăn", Levine nhớ lại. 

Trong năm cuối cấp, Học viện Quân sự New York bầu Trump vào vị trí danh giá: đội trưởng đại đội A. Là một thủ lĩnh, Trump khiến nhiều người tôn trọng mà không cần lên giọng, Peter Ticktin, một thành viên trong đội của Trump, cho biết. 

"Ông ấy không bao giờ la hét ai. Ông ấy chỉ cần nhìn vào bạn, kiểu nhìn nhướng mày. Điều đó có ý nghĩa bạn không được làm ông ấy thất vọng", Tickin, nay là một luật sư ở Florida, nhớ lại.

Một tháng sau khi năm học cuối cấp bắt đầu, Trump gặp rắc rối. Một trong những trung sĩ thuộc đại đội của ông đã xô tân thiếu sinh quân Lee Ains vào tường chỉ vì Ains vào tư thế nghiêm quá chậm. Lúc đó, học viện vừa xử lý một trường hợp bắt nạt nghiêm trọng nên rất nhạy cảm với những cáo buộc liên quan tới các vụ bắt nạt mới. Sau sự việc trên, học viện điều chuyển Trump vào vị trí sĩ quan huấn luyện tiểu đoàn. Họ kết luận rằng Trump không giám sát các thiếu sinh quân trong đại đội của ông "chặt chẽ".

Tuy nhiên, Trump xem điều này là một bước thăng tiến. "Tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đó là lý do tại sao tôi được thăng cấp", ông nói.

Trump sau đó được làm chỉ huy một đội hình trong lễ diễu binh nhân ngày Columbus tổ chức ở thành phố New York. Đứng ở Đại lộ số 5, một trong những khu mua sắm sầm uất nhất thế giới, Trump quay sang thiếu tá Anthony "Ace" Castellano và bộc bạch tham vọng của mình.

"Ông biết gì không, Ace? Tôi thực sự muốn sở hữu một số bất động sản ở đây vào một ngày nào đó", Castellano nhớ lại những lời Trump nói với ông.

Trump cũng từng chia sẻ với một người bạn rằng ông cảm thấy mình "có thể để tuột cơ hội" nếu không theo đường kinh doanh. Ông đã cân nhắc theo học trường điện ảnh ở California nhưng rồi quyết định đích đến cuối cùng là Đại học Fordham, New York.

Năm 1964, Trump theo cha dự lễ khánh thành cầu treo dài nhất nước Mỹ Verrazano - Narrows ở New York. Giữa khung cảnh hào nhoáng của buổi lễ, Trump nhận thấy không ai bày tỏ lòng kính trọng với người thiết kế cây cầu 85 tuổi đi từ châu Âu sang đây tham dự.

"Tôi nhận ra ngay lúc đó rằng nếu để mọi người đối xử với bạn theo cách họ muốn, bạn sẽ tự biến mình thành kẻ ngốc. Tôi nhận ra ngay lúc đó một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên: Tôi không muốn làm kẻ ngốc trong mắt bất kỳ ai", Trump kể với một phóng viên sau đó.

Ở tuổi 18, Donald Trump đã ý thức rõ về vận mệnh của bản thân. Có lần, ông nói với Jeff Ortenau, bạn học ở Học viện Quân sự New York, rằng: "Tôi sẽ rất nổi tiếng vào một ngày nào đó".

"Ông biết không? Ông có thể trở thành tổng thống", Ortenau nhớ lại lời đối đáp với Trump lúc bấy giờ./.