Trùm phát xít Đức Adolf Hitler đánh giá cao lực lượng Cozak, coi họ là một tộc người Aryan và hứa hẹn trao cho họ vô số phần thưởng nếu Đức giành chiến thắng trước Liên Xô.
Trong hàng thế kỷ, người Cozak (Cô-dắc) vừa là thế lực trợ giúp vừa là kẻ thù của tầng lớp thống trị đế chế Nga. Để đổi lấy quyền tự trị ít ỏi, thể chế quân sự này (được hình thành từ sự kết hợp một số tộc người khác nhau) đã bảo vệ biên thùy của nhà nước Nga trước các cuộc xâm lấn.
Lính Cozak giỏi phi ngựa và dùng kiếm chém. Ảnh: Getty. |
Là những kỵ sĩ xuất sắc, người Cozak khiến kẻ thù kinh sợ trong các cuộc giáp chiến. Họ hiệu quả trong việc giải tán các cuộc biểu tình trên các quảng trường thành phố, và đóng vai trò là vệ sĩ cho các Sa hoàng Nga. Tuy nhiên, các chiến binh Cozak ưa thích tự do này rất nhạy cảm trước bất cứ sự xâm phạm nào đối với các quyền và lối sống của họ, cho nên chính phủ Sa hoàng Nga luôn cần cách tiếp cận đặc biệt đối với những người này.
Sự sụp đổ của Đế chế Nga và Nội chiến Nga sau đó đã chia rẽ sâu sắc tầng lớp Cozak, đẩy họ sang các phe đối địch. Có vô số các cuộc đụng độ giữa những người Cozak Đỏ và nhóm Cozak Bạch vệ trên những vùng lãnh thổ rộng lớn của miền nam nước Nga.
Tuy nhiên, việc những người Bolshevik phân bổ lại đất đai và tiến hành “phi Cozak hóa” một cách cứng rắn đã đẩy hầu hết những người Cozak sang phe Bạch vệ.
Sau khi phe Bolshevik giành chiến thắng cuối cùng trong Nội chiến Nga, chính quyền Xô viết đã tiến hành chính sách tẩy sạch từ Cozak khỏi ngôn ngữ Nga. Người Cozak mất quyền tự trị và bị ép tái định cư. Bị coi là tay chân của “các giai cấp bóc lột”, họ đã mất quyền được phục vụ trong Hồng quân, ngoại trừ những người Cozak Đỏ.
Nhóm Cozak “vì Tổ quốc, vì Stalin”
Tình hình quốc tế xấu đi khi Thế chiến 2 cận kề vào thập niên 1930 đã khiến ban lãnh đạo Xô viết xem xét lại chính sách đối với người Cozak. Họ quyết định mở một chiến dịch thân thiện với nhóm người này nhằm làm cho bộ phận dân cư này trở thành một dòng chảy chính của chế độ Xô viết. Thái độ của nhà nước đối với người Cozak đột ngột nhẹ bẫng đi và nhà nước bắt đầu ủng hộ việc khôi phục lối sống và truyền thống Cozak, khuyến khích họ tích cực tham gia đời sống xã hội và kinh tế của đất nước.
Thay đổi quan trọng nhất là việc dỡ bỏ (vào năm 1936) lệnh cấm người Cozak được phục vụ trong Hồng quân. Một số đơn vị kỵ binh đã được đặt tên lại thành Cozak. Bên cạnh đó, có thêm các sư đoàn và quân đoàn Cozak được xây dựng mới từ đầu, trong đó các binh sĩ được phép mặc quần áo truyền thống.
Năm 1937, lính Cozak tham gia diễu binh trên Quảng trường Đỏ trong bộ quân phục đầy đủ.
Các sư đoàn kỵ binh Cozak tham gia hầu hết các trận đánh lớn của Thế chiến 2 ở mặt trận Đông Âu. Lính kỵ binh Cozak, mang kiếm chém và súng trường, được yểm trợ bằng pháo 45mm và 76mm từ các đơn vị khác. Do không thể chiến đấu ngang cơ với các cỗ xe tăng Đức, họ được huy động cho hoạt động phản kích, đột phá, và tập kích chớp nhoáng, trong đó tốc độ là yếu tố chủ đạo. Năm 1943, năng lực tác chiến của các quân đoàn kỵ binh đã được tăng cường đáng kể do họ tiếp nhận thêm sự yểm trợ bằng pháo chống tăng và pháo phòng không.
Lính Cozak xung phong với sự yểm hộ của hỏa lực súng máy. Ảnh: Getty. |
Nhờ chủ nghĩa anh hùng của mình, các đơn vị Cozak được tặng thưởng danh hiệu “Cận vệ” vào một số dịp. Thí dụ, Sư đoàn Kỵ binh Cận vệ số 3, chủ yếu gồm các lực lượng Cozak Kuban, đã trở thành một trong các đơn vị huyền thoại nhất của Hồng quân Liên Xô. Từ tháng 7/1941 đến tháng 5/1945, sư đoàn này đã vượt qua 12.700km trên đất Liên Xô, Ba Lan, và Đức, giao chiến với đối phương trên đường hành quân, và tham gia các trận đánh Moscow, Warsaw (Vác-sa-va), và Berlin.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người Cozak chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đều là lính kỵ binh. Chẳng hạn, Sư đoàn bộ binh Krasnodar Plastun số 9 chiến đấu trên bộ và được quân Đức kính nể về lòng can đảm vô song. Đội ngũ Cozak cũng sản sinh ra “ace xe tăng” hàng đầu của Liên Xô là quân nhân Dmitry Lavrinenko với chiến công tiêu diệt được 52 xe tăng địch, cũng như nhà thiết kế vũ khí Fyodor Tokarev – người đã tạo ra khẩu súng ngắn TT trứ danh và khẩu súng trường chủ lực SVT của Hồng quân.
Nhóm Cozak ở phe đối nghịch, ủng hộ Hitler
Trong khi đa phần người Cozak tham gia bảo vệ Tổ quốc, một số vẫn bất mãn với chế độ Xô viết và khát khao được có vị thế ngang hàng với phong trào Bolshevik, mơ có được sự độc lập chính trị. Những người này đã đứng về phía Đức Quốc xã. Các đơn vị Cozak như vậy đã được lập nên ở các vùng chiếm đóng là Kuban và Don. Chúng có nhiệm vụ chống lại du kích kháng chiến, duy trì trật tự trong vùng, và canh gác các tù binh Hồng quân.
Khi quân Đức xâm lược Liên Xô, các cựu thủ lĩnh Cozak bị đánh bại trong Nội chiến Nga rồi chạy ra nước ngoài đã bám gót phát xít Đức để quay về Nga.
Một trong những kẻ ấy, Pyotr Krasnov, tuyên bố vào ngày 22/6/1941, ngày đầu tiên của Chiến dịch Barbarossa (do quân đội Đức Quốc xã tiến hành): “Tôi nói với tất cả những anh em Cozak rằng cuộc chiến này không nhằm vào nước Nga, mà là nhằm vào bọn cộng sản, bọn Do Thái và đồng bọn của chúng – những kẻ đã bán rẻ máu Nga. Cầu Chúa phù trợ cho quân đội Đức và Hitler!”.
Về phần mình, Quốc trưởng Hitler ưa thích việc xây dựng các tổ chức và đơn vị quân sự Cozak cộng tác với chế độ của y, bởi lẽ trong hệ tư tưởng Đức Quốc xã, người Cozak được coi là hậu duệ của người Aryan. Điều này được minh chứng bởi bộ phận Cozak chống Bolshevik di tản sang Đức đã ủng hộ Đảng Quốc xã ngay trước khi đảng này lên cầm quyền.
Các đơn vị Cozak trong quân đội Đức và lực lượng SS không phải lúc nào cũng gồm toàn người Cozak. Thí dụ, một trong các đơn vị tiêu biểu như vậy – quân đoàn Kỵ binh Cozak số 15 thuộc lực lượng SS, có 22.000 quân vào cuối Thế chiến 2, bao gồm không chỉ lính Cozak mà còn cả tù binh Liên Xô đồng ý chiến đấu cho Đức cũng như 5.000 lính Đức.
Phát xít Đức chủ yếu sử dụng lính Cozak để bảo vệ hậu cứ ở Nam Tư, nơi chúng đối đầu với du kích địa phương và “Quân đội Giải phóng Nhân dân Nam Tư”. Khi thất bại là không tránh khỏi, tàn quân Cozak đã chạy xuyên qua dãy núi Alps để trốn Hồng quân và đầu hàng quân Anh.
Vào ngày 28/5/1945, khoảng 50.000 kẻ Cozak cộng tác với Đức, bao gồm cả người tị nạn đến từ các vùng Cozak, đã được người Anh trao cho quân đội Xô viết.
Theo các thỏa thuận của Hội nghị Yalta, người Anh buộc phải giao nộp tất cả các công dân Xô viết đã chiến đấu chống lại tổ quốc mình. Tuy nhiên người Anh còn làm xa hơn thế, họ giao nộp cả những người Cozak di tản không còn là công dân Xô viết.
Các thủ lĩnh Cozak làm tay sai cho giặc đã bị hành quyết, số còn lại bị tống giam. Sau đó những người Cozak còn sống trong số này đã được phóng thích vào năm 1955./.