Hàng ngàn chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã tham gia vào cuộc duyệt binh huyền thoại đó ở Moscow vào đúng ngày 7/11/1941 để kỷ niệm 24 năm cuộcCách mạng tháng Mười. Đây có lẽ là một trong các cuộc duyệt binh đặc biệt nhất từng diễn ra ở Moscow. Sau khi diễu qua Quảng trường Đỏ, các binh sĩ Hồng quân tiến thẳng ra mặt trận để chiến đấu chống lại quân phát xít Đức lúc đó chỉ cách trung tâm thủ đô Moscow có 30km.

duyet_binh_nga_1_apxg.jpg
Xe tăng lăn bánh qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh huyền thoại 1941. Ảnh: PD.

Tình thế đặc biệt

Ở Liên Xô, cuộc duyệt binh thường niên nhằm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười được xem là sự kiện quan trọng nhất. Tuy nhiên vào thời điểm giữa tháng 10/1941, ít người ở Liên Xô dám nghĩ rằng việc duyệt binh đó có thể thực hiện trong năm nay. Thành phố Moscow đang trong tình thế vô cùng nghiêm trọng: Quân Đức đã phá vỡ các tuyến phòng ngự của Hồng quân và đã xuất hiện ở ngoại ô Moscow. Việc di dời các cơ sở công nghiệp và hành chính khi ấy đang diễn ra khẩn trương và những gì không di dời được thì đã bị gài mìn.

Hệ thống vận tải đã bị tê liệt. Thành phố còn xảy ra cảnh trộm cướp và hỏa hoạn. Các cư dân hoảng loạn chạy trốn khỏi Moscow với tất cả mọi thứ họ có thể mang theo.

Để ngăn cảnh hỗn loạn, vào ngày 20/10/1941, ban lãnh đạo Liên Xô đã ra sắc lệnh về tình trạng bao vây. Lệnh giới nghiêm được ban bố và thành phố được đặt dưới sự kiểm soát của các binh sĩ thuộc Bộ Nội vụ (NKVD) – những người này đã ít nhiều giúp ổn định tình hình.

Nhưng những biện pháp cứng rắn đó không đủ. Người dân Moscow cần một điều gì đó để truyền cảm hứng cho họ. Và thế là ban lãnh đạo Xô viết quyết định tổ chức duyệt binh mừng Cách mạng tháng Mười để chứng tỏ với Moscow, Liên Xô và thế giới rằng người Xô viết vẫn có khả năng chiến đấu và sẽ chiến đấu chống lại ngoại xâm.

Giải pháp đặc biệt

Nhiệm vụ đầu tiên là bảo đảm an toàn cho Quảng trường Đỏ trước không quân phát xít Đức vào ngày diễu binh. Hôm 5/11/1941, không quân Liên Xô bắt đầu không kích các sân bay của Đức. 500 máy bay chiến đấu đã được huy động từ các mặt trận khác, và lực lượng phòng không được đặt trong trạng thái báo động cao nhất. Nhờ có các biện pháp này cộng thêm tuyết rơi dày, máy bay phát xít Đức đã không thể bay tới trung tâm Moscow vào ngày 7/11 năm đó.

Lãnh tụ Liên Xô Stalin (thứ 2 từ phải sang) phát biểu tại lễ duyệt binh này. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Giới lãnh đạo Liên Xô thực hiện thêm một số điều táo bạo khác. Họ cho dỡ lớp ngụy trang khỏi các ngôi sao trên điện Kremlin (được thắp sáng tạm thời khi đó) và khỏi Lăng Lenin. Và những lãnh đạo Xô viết còn ở lại thủ đô, trong đó có Stalin, đứng trên bục lễ đài ở Lăng. Stalin đã có một bài phát biểu long trọng.

Cùng lúc đó, hầu hết các quan chức lãnh đạo cao cấp của Liên Xô, cùng với các nhà ngoại giao nước ngoài, tham dự một buổi diễu binh tương tự ở Kuybyshev (nay là Samara) – một thành phố trên dòng sông Volga cách Moscow 1.000km, nằm không xa Kazakhstan. Kuybyshev được xác định sẽ là thủ đô tạm thời của Liên Xô nếu Moscow thất thủ.

Bộ đội chỉ mất vài ngày chuẩn bị

28.500 người lính tham gia vào cuộc diễu binh Moscow. Đa phần những người này là học viên quân sự hoặc thuộc các đơn vị súng trường, kỵ binh, pháo binh và xe tăng của quân khu Moscow và lực lượng dự trữ của Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô. Cùng với các binh sĩ, 140 khẩu pháo, 160 xe tăng và 232 chiến xa khác lăn bánh qua Hồng trường.

Các chiến sĩ Hồng quân với súng trên vai diễu hành qua Quảng trường Đỏ trước khi tiến ra tiền tuyến vào ngày 7/11/1941. Ảnh: PD.

Thường thường bộ đội Liên Xô sẽ mất 2-3 tháng để chuẩn bị cho diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Nhưng trong sự kiện 1941 họ chỉ mất vài ngày. Sau cuộc duyệt binh, họ được phân bổ trực tiếp cho tiền tuyến để đương đầu với mối nguy hiểm cận kề.

Các nhà báo Liên Xô và nước ngoài còn ở lại Moscow đã phản ánh nhiều về sự kiện này.

Cựu chiến binh Sergey Kolodin nhớ lại: “Tại quê nhà ở Kalinin (giờ là Tver), tôi lắng nghe cuộc duyệt binh đó. Sự kiện này đã truyền cảm hứng mạnh cho chúng tôi. Khi đó tôi 17 tuổi và tôi đã ra trận”.

Sau năm 1941 Moscow không tổ chức cuộc duyệt binh nào nữa khi chiến tranh chưa kết thúc. Đến ngày 24/6/1945, những người lính Xô viết mới diễu hành qua Quảng trường Đỏ để chào mừng chiến thắng trước chủ nghĩa Quốc xã./.