Ngày 7/1, người dân Campuchia sẽ kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979 - 7/1/2014). 35 năm đã trôi qua, nhưng đến tận ngày nay, mỗi khi nhắc đến Khmer Đỏ hay Pol Pot, hàng triệu người dân Campuchia vẫn không thể nào quên được ký ức kinh hoàng về những ngày được coi là “tăm tối nhất” trong lịch sử đất nước này.
Theo Wikipedia, chỉ trong thời gian cầm quyền 4 năm (1975 - 1979), Pol Pot và chế độ Khmer Đỏ đã giết chết khoảng 2 triệu người Campuchia (khoảng 25% dân số của nước này lúc bấy giờ) với các biện pháp tra tấn và xử tử dã man bằng các công cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng hay bỏ đói và lao động cưỡng bức.
>> Đọc thêm: Bài học xương máu từ chế độ diệt chủng Pol Pot
Cho đến nay, Khmer Đỏ được nhiều học giả coi là một trong những chế độ hung bạo nhất trong thế kỷ 20 và thường được so sánh với chế độ phát xít của Adolf Hitler. Thậm chí, nếu tính theo tỷ lệ người bị giết so sánh với dân số, Khmer Đỏ là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ 20.
Trong chuyên mục Câu chuyện của những người sống sót của trang mạng Cybercambodia,SisowathDoung Chanto, sinh năm 1970 - người có cha đã bị Khmer Đỏ sát hại đã kể lại những ký ức không thể nào quên.
Một góc trưng bày hình ảnh các nạn nhân của Khmer Đỏ tại nhà tù Tuol Sleng (Ảnh: PV/VOV - Phnom Penh) |
Xin giới thiệu cùng bạn đọc ký ức ám ảnh Sisowath Doung Chanto suốt cuộc đời:
Cha tôi là một trong hàng triệu nạn nhân bị giết chết bởi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn không thể nào hiểu được lý do tại sao chúng xử tử cha tôi và hàng triệu người đàn ông khác là đồng bào của tôi tại đất nước này.
Cha tôi không phải là người tham gia các đảng phái chính trị, cũng không phải là một tội phạm trên bất kỳ phương diện nào. Trong ký ức của tôi, ông là một người đàn ông của gia đình giống như bất kỳ người đàn ông Campuchia nào khác ở đất nước này. Ông là một người cha luôn yêu thương, chăm sóc và che chở cho gia đình, cũng như bảo vệ cho những người làm việc trong công ty vận tải thủy của ông.
Cha tôi là một người yêu nước. Ông đã không rời bỏ Campuchia khi diễn ra cuộc nội chiến 1970 - 1975, bởi ông muốn cống hiến sức mình cho việc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Thật không may, lòng yêu nước của ông không được chào đón với thái độ trân trọng, ngược lại, ông đã phải chịu đựng sự ngược đãi và bị xử tử.
Cha tôi đã phải chịu những hình thức tra tấn vô cùng tàn khốc. Ngay cả những kẻ trực tiếp thực hiện cũng bị sốc khi nói về những hình thức tra tấn này. 8 năm sau ngày cha tôi bị hành quyết, mẹ tôi đã có cơ hội giáp mặt với kẻ đã xử tử cha tôi. Hắn có tên là Met Chan - một quản giáo của Khmer Đỏ, và hắn đã mô tả cách hắn và các “đồng chí” của mình trừng phạt cha tôi.
Từ lúc cha tôi bị lôi ra khỏi túp lều nơi gia đình tôi nương náu, ông liên tục bị đấm đá, đánh đập dã man và kéo lê trên đường. Trước khi bị hành quyết, ông bị còng cùng với ba người đàn ông khác và bị giam trong một tầng hầm của một ngôi đền bỏ hoang.
Cho đến khi bị hành quyết, cha tôi bị bỏ đói trong vài ngày bởi các “cán bộ” Khmer Đỏ biết rằng cuối cùng ông cũng bị giết. Khuôn mặt cha tôi sưng húp vì những đòn tra tấn, xương sườn của ông bị gãy vì bị đánh đập liên tục. Những đòn tra tấn dã man đã khiến ông tê liệt về ý thức cũng như ngôn ngữ. Vào thời điểm đó, cha tôi chỉ nằm bẹp trên sàn nhà, không thể di chuyển hoặc cầu xin lòng thương xót. Theo Met Chan, trong những lời cuối cùng, cha tôi đã gọi tên vợ, con trai và con gái.
Tôi cũng cho rằng, cha tôi đã nghĩ về gia đình của mình khi ông đang hấp hối.
Một cách giết trẻ em tàn bạo của lính Khmer Đỏ là cầm chân các em quật thẳng vào thân cây như thế này hoặc ném thẳng vào thân cây (Ảnh: Internet) |
Hai ngày sau khi bị bắt và thẩm vấn, Khmer Đỏ đã mang cha tôi đi hành quyết. Ông bị giết bởi 3 cú đánh mạnh bằng một thanh kim loại vào phía sau đầu. Met Chan không cho biết cha tôi có chết ngay lập tức sau những cú đánh đó không. Mẹ tôi cũng không muốn biết thêm nữa. Cha tôi - Sisowath Doung Kara đã bị Khmer Đỏ xử tử vào tháng 7/1978 - chỉ hơn 5 tháng trước khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Tôi là một trong số rất nhiều người lên tiếng nói về sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Hàng triệu người dân Campuchia đã mất đi những người thân yêu trong gia đình của họ. Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ không chỉ làm tổn thương tâm lý cho hàng triệu người Campuchia, mà nó còn tạo ra một nỗi sợ hãi thường trực trong mỗi người dân Campuchia về sau này.
Chúng tôi đã mất mát rất nhiều. Sự mất mát lớn nhất là tất cả những người có tri thức và năng lực để thúc đẩy sự phát triển xã hội của chúng tôi đã bị giết hại. Rất nhiều nhân tài của Campuchia đã thiệt mạng bởi những kẻ “trí thức nửa mùa” như Pol Pot và Ieng Sary - những kẻ bất lực trong việc đưa xã hội Campuchia phát triển.
Những dòng tâm sự này không phải nhằm tìm kiếm sự cảm thông. Đó là một lời nhắc nhở về những gì đã xảy ra với xã hội của chúng tôi dưới sự cai trị của Khmer Đỏ. Những tội ác của Khmer Đỏ không bao giờ được lãng quên với lý do đó là quá khứ. Nó phải là một bài học vĩ đại cho thế hệ tương lai của chúng tôi.
Sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ sẽ không bao giờ được phép tái diễn. Tuy nhiên, nó cũng không bao giờ được phép lãng quên, nhất là trong trí nhớ của những người từng chịu đựng và sống sót sau thảm họa diệt chủng tại Campuchia./.