Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ 2, bất chấp các cuộc không kích và ném bom dữ dội của phát xít Đức, Điện Kremlinvẫn đứng vững và không bị hư hại nhiều. Tất cả là nhờ chiến thuật ngụy trang quân sự lớn nhất và tinh vi nhất thời bấy giờ với sự tham gia của cả những người dân Moscow.

untitled_1_copy_ofcv.jpg
Dự án ngụy trang Điện Kremlin của kiến trúc sư Boris Iofan. Ảnh: Russia Beyond.

Kế hoạch ngụy trang hoàn hảo

Điện Kremlin không chỉ là “thành lũy” của chính phủ Liên Xô mà còn là biểu tượng tinh thần của đất nước Liên Xô. lo ngại về tình hình an ninh của nơi này ngay từ những ngày đầu chiến tranh, tướng Nikolay Spiridonov, chỉ huy lực lượng bảo vệ Điện Kremlin từ năm 1938 đến 1953 đã gửi một tin nhắn mật tới Lavrenti Beria, người đứng đầu Bộ Dân Ủy nội vụ Liên Xô (NKVD) và ông Beria ngay lập tức đã ra lệnh thực hiện chiến dịch ngụy trang cho Kremlin.

Nhiệm vụ không hề đơn giản vì họ phải làm sao để che dấu cả khu tổ hợp rộng 28 hecta, bao gồm các tòa nhà cao tầng, tháp Kremlin và tháp chuông Ivan the Great, tránh bị lọt vào tầm ngắm. Vào ngày 22/7/1941, phát xít Đứcđã thả một quả bom nặng 250kg để phá hủy Cung điện Kremlin nhưng may mắn quả bom không phát nổ.

Tất cả các tòa tháp tại khu tổ hợp Điện Kremlin được sơn lại bằng nhiều màu sắc khác nhau và được bao phủ trong những tấm chắn bằng gỗ. Mái nhà được chuyển thành màu nâu gỉ để hòa lẫn với màu sắc của những mái nhà thông thường tại Moscow và như vậy khiến chúng rất khó bị phát hiện. Mặt tiền của các tòa nhà cũng được thay đổi màu sơn để đánh lừa phi công phát xít Đức. Phần nền lát đá cuội được bao phủ bằng cát. Những tấm chắn với thiết kế trông giống như mái nhà cũng được trải rộng bao trùm cả khu vườn. Kế hoạch ngụy trang độc đáo này là ý tưởng của kiến trúc sư Liên Xô nổi tiếng thời bấy giờ, ông Boris Iofan.

Một trong những mục tiêu của phát xít Đức là lăng Lenin. Để tránh bị đối phương tấn công, nơi đây đã được che phủ trong một thiết kế bằng gỗ khổng lồ hình vuông, khiến nó trông giống như một tòa nhà thông thường. Thi hài của lãnh tụ Lenin được đưa ra khỏi Moscow thời điểm đó, và mãi đến năm 1945 mới được đưa trở về lăng trên Quảng trường Đỏ.

Lập tuyến phòng thủ bảo vệ Moscow

Sự an toàn của Điện Kremlin không phải là mối quan tâm duy nhất. Còn rất nhiều khu vực khác ở Moscow cũng cần được bảo vệ. Giới chức thành phố đã ban hành những biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Hàng trăm nghìn người dân Moscow cũng tham gia công việc bảo đảm an toàn cho thủ đô.

Vào thời điểm đó, dân số Moscow đã giảm đi một nửa do các cuộc sơ tán, chỉ còn khoảng 4,6 triệu người. Nhiều người từng được huấn luyện kỹ năng phòng thủ dân sự nhiều năm trước chiến tranh, giờ đã đến lúc áp dụng kiến thức vào thực tế, chẳng hạn như xử lý bom cháy, che cửa sổ bằng băng keo dày, thực hiện nghiêm túc lệnh giới nghiêm (cấm phương tiện giao thông và người đi bộ trên các tuyến đường từ 12h trưa hôm trước đến 5h sáng hôm sau). Hơn 200 nhà máy và cơ sở sản xuất đã được sơ tán ra khỏi thành phố. Những nhà máy còn lại tiếp tục sản xuất hàng hóa, đạn dược và vật tư cho tiền tuyến.

Người dân Moscow xây dựng tuyến phòng thủ chống xe tăng. Ảnh: Russia Beyond.

Hàng trăm nghìn người dân tham gia xây dựng các rào chắn bên trong thành phố. Đây là công việc được chính quyền giao phó và họ làm trên tinh thần tự nguyện. Trên tất cả, nhờ những nỗ lực to lớn, người dân Moscow cũng đã xây dựng được hai tuyến phòng thủ bên ngoài thành phố. Ngày nay hài cốt của họ có thể vẫn được tìm thấy tại các khu rừng quanh thủ đô Moscow.

Đánh lừa phi công phát xít Đức

Người ta đã cho "xây dựng" cấp tốc các tòa nhà, công viên, khu phố giả, thậm chí cả những đường phố mà trước đây chưa hề tồn tại, trong khi đó, những công trình quan trọng thì được ngụy trang một cách khéo léo. Các con đường thật được sơn màu lấm len, còn những con đường giả được “vẽ” ra tại các khu vực không có người ở. Tuyến đường cao tốc Leningrad nối giữa Moscow và khu vực phía bắc có tầm quan trọng chiến lược, vì thế nó được che dấu cẩn thận dưới những thiết kế bằng gỗ trông giống hình mái nhà.

Trong cuốn nhật ký của mình, ông Nikolay Verzbitsky, người từng trải qua thời kỳ chiến tranh mô tả: “Lễ kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga diễn ra rất ảm đạm. Khoảng 200 người, gồm cả phụ nữ và nam giới cầm xẻng và xà beng đi trên đường. Trời lạnh, gió to, tuyết rơi dày. Dòng người xếp hàng dài chờ nhận bánh mì và khoai tây. Đài phát thanh gặp trục trặc vào buổi sáng và họ nói rằng do phát xít Đức đã làm nhiễu chương trình phát sóng. Chỉ có những chiếc xe tăng diễu hành trên Quảng trường Đỏ mới phần nào giúp người dân cảm thấy yên tâm”.

Để che giấu những nhà máy quan trọng, họ đã tạo ra các bản sao của chúng. Kế hoạch này được thực hiện tại thành phố Nizhny Novgorod. Người ta sử dụng kính và bìa cứng tạo ra bản sao nhà máy sản xuất ô tô địa phương, đặt ở ngoại ô thành phố, sau đó thắp sáng cả ngày lẫn đêm để thu hút sự chú ý. Phát xít Đức đã “dính bẫy” và trút rất nhiều bom đạn xuống nơi đây, còn nhà máy thật sự thì vẫn an toàn.  

Người dân được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có xử lý bom cháy. Ông Tamara Rybakova, một người dân nhớ lại: “Bom rơi xuống, va vào mái nhà. Nhưng luôn có những người canh chừng trên gác mái để xử lý các quả bom này. Sau mỗi đợt không kích, tôi và bạn bè tôi đi ra đường, nhặt các mảnh bom cho vào bao tải và chuyển chúng đến những điểm thu gom phế liệu. Khi còi báo động vang lên, chúng tôi lại đổ xô đến hầm trú ẩn. Tôi rất buồn vì mẹ tôi không bao giờ đi cùng chúng tôi xuống nơi trú ẩn mà thường xuyên ở trên mái nhà để xử lý bom”.

Điều đó không có nghĩa là cuộc sống trong thành phố bị ngừng lại. Sau khi mối đe dọa qua đi, chiến dịch ngụy trang tiếp tục được thực hiện. Trường Đại học Moscow vẫn hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt thời kỳ chiến tranh và đã cấp 106 bằng tiến sỹ cùng 520 bằng cấp khác trong giai đoạn 1941-1945. Các thư viện và trường mẫu giáo vẫn hoạt động. Nhà hát, rạp chiếu phim vẫn công chiếu các vở kịch hay những bộ phim yêu nước.

Tính đến tháng 4/1942, các cuộc không kích của phát xít Đức đã phá hủy 19 nhà máy và cơ sở sản xuất, 69 tòa nhà hành chính, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người. Phía Đức cũng bị mất gần 1.400 máy bay ném bom. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng Moscow chịu thiệt hại lớn như vậy./.