Trong 3 năm liền, đêm nào anh thợ cơ khí ô tô Paen Long cũng thức rất khuya sau khi vợ anh đi ngủ. Anh ngồi yên đó, chăm chú theo dõi các đoạn video trên YouTube.
Chỉ có điều những đoạn clip đó không phải là các clip đình đám hay là các đoạn video nhạc pop. Sống bên một quốc lộ ở vùng nông thôn đông nam Campuchia, anh Long chỉ có một thứ “nghiện” duy nhất: máy bay cánh cứng.
Chiếc máy bay của Paen Long. Ảnh: Robertson. |
“Hồi đầu, tôi lên mạng gõ từ ‘phản lực’”, Long kể. Sau đó công cụ tìm kiếm dẫn anh tới môt loạt video về cảnh máy bay cánh cứng cất hạ cánh, các tình huống mô phỏng bay và các chuyến viếng thăm các nhà máy sản xuất máy bay.
Là một trong 6 người con của một gia đình nông dân trồng lúa, Long trưởng thành trong các năm tháng đất nước Campuchia phải chật vật vượt qua gian khó, khắc phục các hậu quả nặng nề do chế độ Khmer Đỏ để lại. Và tất nhiên, anh chưa từng một lần được ngồi trong một chiếc máy bay thuộc bất cứ thể loại nào.
Sau khi chứng kiến tận mắt một chiếc trực thăng hồi anh lên 6 tuổi, Long kể lại rằng, ham muốn được bay cứ thế ám ảnh tâm trí của anh trong suốt hàng thập kỷ. Anh tâm sự: “Tôi đêm nào cũng mơ về máy bay. Tôi luôn muốn sở hữu một chiếc máy bay của riêng mình”.
Ban đầu, tất cả chỉ dừng lại ở ước mơ. Paen Long bỏ học sớm để theo nghề cơ khí. Đây là một trong các nghề hiếm hoi ở tỉnh Svay Rieng quê nhà của Long không liên quan đến ruộng đồng mà thanh niên như anh có thể theo đuổi mà không cần học hết trung học.
Máy bay tự chế
Năm ngoái, Long 30 tuổi và có một gara ô tô riêng ở tỉnh Prey Veng cận kề. Khi ấy thấy đã tiết kiệm được kha khá tiền, anh quyết định hiện thực hóa giấc mơ từ thuở bé.
Long tâm sự: “Tôi bắt đầu chế tạo máy bay, hoàn toàn giữ bí mật về vụ này với mọi người bên ngoài. Tôi sợ rằng người ta sẽ cười nhạo tôi. Thi thoảng tôi phải tiến hành việc chế tạo vào ban đêm”.
Buồng lái của chiếc máy bay tự chế. Ảnh: Robertson. |
Biết rằng sản xuất trực thăng sẽ phức tạp hơn máy bay cánh cứng, Long đã chế tạo chiếc phi cơ của mình theo thiết kế của một chiếc máy bay cánh cứng của Nhật Bản thời Thế chiến 2. Đó là một chiếc phi cơ một chỗ ngồi với sải cánh 5,5m. Long đã mất gần một năm để chế tạo ra chiếc máy bay này từ đống vật liệu tái chế.
Ghế ngồi của phi công là một chiếc ghế nhựa đã bị chặt hết các chân. Bàn điều khiển được chế từ “táp lô” của ô tô, còn phần thân máy bay thì làm bằng bình gas cũ.
Ngày trọng đại đã đến vào ngày 8/3 năm nay. Trước thời điểm 15h chiều, Long khởi động động cơ máy bay. Ba người giúp anh đưa phi cơ vào “đường băng” - đó là một con đường đất dẫn ra quốc lộ, hướng tới các cánh đồng lúa.
Theo dân làng, khoảng 200-300 người đã có mặt để theo dõi viên “phi công” địa phương đầu tiên của họ. Còn theo lời Long, có tới 2.000 người đến xem.
Long thắt quai mũ xe máy – phương tiện bảo hiểm duy nhất của mình, rồi ngồi vô buồng lái. Máy bay tăng tốc độ lúc chuẩn bị cất cánh. Sau đó máy bay được nhấc bổng lên không trung. Theo lời kể của Long, máy bay đã lên tới độ cao là 50m và sau đó đâm thẳng xuống đất.
Khi máy bay lao xuống đất, nhiều tiếng cười chê bai rộ lên. Long giải thích, thất bại này là do cỗ máy của anh nặng tới nửa tấn. “Tôi cứ đứng đó, nước mắt lăn dài trên má. Tôi bị xúc động mạnh, vì tôi không chịu nổi tất cả những lời lẽ đàm tiếu mà người ta dành cho mình”.
Thủy phi cơ
Thất bại không làm Long nhụt chí mà chỉ càng làm cho anh thêm quyết tâm đạt được thành công. Thời gian ngắn sau đó, anh hướng sang một dự án khác. Giờ thì anh chế thủy phi cơ có khả năng đáp trên biển, cũng chủ yếu bằng những vật liệu bỏ đi, mà theo anh có thể làm cho máy bay nhẹ hơn để có thể cất cánh được.
Động cơ máy bay Paen Long. Ảnh: Robertson. |
Thế nhưng nhà của Long cách biển tới 200km. Long vạch kế hoạch đưa nguyên mẫu máy bay mới này trở về tỉnh Svay Rieng bằng xe tải và cho máy bay cất cánh thử từ sông Waiko.
Long ước tính rằng để chế nguyên mẫu này sẽ cần tới 10.000 USD. Cho tới nay, anh đã đầu tư 3.000 USD cho chiếc máy bay này – số tiền này không hề nhỏ ở Campuchia, đất nước có mức lương tối thiểu là 153 USD một tháng và tới 13,5% dân số sống dưới ngưỡng nghèo.
Tất nhiên với số tiền 3.000 USD nói trên, Long có thể khao cả gia đình mình một chuyến du lịch tươm tất ra nước ngoài. Nhưng đối với anh, vấn đề không chỉ là bay nữa. Đó còn là biến điều không thể thành điều có thể.
Anh thợ cơ khí Campuchia tâm sự: “Tôi chả bao giờ nghĩ đến chuyện chi tiền cho những việc khác. Tôi không bao giờ hối tiếc về việc dành toàn bộ khoản tiền này cho máy bay”.
Những người khác trong vùng đều kinh ngạc về người láng giềng của mình. Sin Sopheap, một người bán hàng rong 44 tuổi, nói: “Tôi chưa bao giờ gặp một ai có ý tưởng như thế cả”.
Man Phary, chủ một quán ăn ven đường gần nhà Long, chia sẻ: “Đối với tôi, như thế thật là khác thường, bởi vì theo tôi, chẳng có ai lại dám làm thế cả”.
Muoyheng, vợ của thợ cơ khí ô tô Paen Long. Ảnh: Robertson. |
Vợ của Long, cô Hing Muoyheng 29 tuổi là một người bán linh kiện ô tô. Cô kể rằng mình rất lo lắng cho sự an toàn của chồng mình, nhất là khi họ đã sinh được 2 cậu nhóc. Dẫu vậy, cô vẫn ủng hộ chồng mình.
Muoyheng nói với phóng viên: “Em không biết máy bay vận hành như thế nào. Chẳng có chuyên gia nào đứng ra giúp anh ấy cả. Chỉ có vài lần em cố gắng thuyết phục anh bỏ việc chế tạo này đi vì em sợ rủi ro, nhưng anh bảo rằng sẽ chẳng có gì nguy hiểm cả, thế nên em vẫn cứ phải đồng hành với ý tưởng của anh thôi”.
Mặc dù Paen Long hy vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ cho bản thân và người khác bằng cách tiến hành bay thử trên mặt nước vào tháng 7 này, anh vẫn nhận thức rất rõ rằng chuyến bay mơ ước của mình vẫn chứa đựng nhiều bất trắc.
Long nói: “Công nhận nguy hiểm thật, mình chẳng dự đoán được hết mọi điều”./.