Đối với các phi công Đồng minh (phe Liên Hợp Quốc) trongChiến tranh Triều Tiên, sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ của các máy bay tiêm kích MiG-15 do Liên Xô sản xuất trên bầu trời khu vực vĩ tuyến 38 là một diễn biến khiến họ lo lắng.

maybay_mig_15_kctr.jpg
Máy bay MiG-15 do Liên Xô chế tạo. Ảnh: warbirddepot.

Moscow đã cung cấp hàng trăm máy bay đánh chặn hiện đại này (vào thời điểm đó) cho Triều Tiên và Trung Quốc. Các máy bay đó “ra mắt” vào ngày 1/11/1950 và lập tức bắn rụng như sung các máy bay phe Đồng minh mà gần như không bị trả giá.

Về tốc độ bay, sự linh hoạt và hỏa lực, máy bay MiG-15 (NATO gọi là “Fagot”) vượt trội bất cứ máy bay Mỹ và Anh nào, kể cả máy bay F-86 Saber của Mỹ. Ngoài ra, với một khẩu pháo 37mm gắn ở phía trước, chiếc phản lực cơ này sẽ tung đòn sấm sét vào đối thủ, đặc biệt là khi nó được điều khiển bởi một trong các phi công điêu luyện của Liên Xô được bí mật cử sang Triều Tiên hỗ trợ quân đội nước này.

Trong một ngày riêng lẻ của năm 1951, một nhóm 30 máy bay tiêm kích MiG lao vút qua một qua một hàng rào 100 chiếc phản lực của Mỹ rồi xé nát đội hình 36 chiếc oanh tạc cơ B-29. Có tới 1/3 số máy bay ném bom của Mỹ đã bị bắn tan tành. Trong khi đó, phía Triều Tiên không mất một chiếc phi cơ nào.

Các chỉ huy Mỹ kinh hoàng trước tổn thất lớn này nên đã ra lệnh tạm ngừng mọi phi vụ trên lãnh thổ đối phương. Chiếc MiG-15 đã làm nghiêng cán cân cuộc chiến theo hướng bất lợi cho quân Mỹ-Hàn-Liên Hợp Quốc.

Các tư lệnh phe Liên Hợp Quốc biết họ phải tìm phương cách đánh bại chiến đấu cơ của phe Triều Tiên-Trung Quốc (có Liên Xô hậu thuẫn). Nhưng để làm được điều này, họ cần nghiên cứu một cách chi tiết một cỗ máy MiG-15. Tình báo phương Tây ám ảnh về việc phải thu được một chiếc MiG-15 còn hoạt động được. Nhưng thu giữ được một chiếc MiG-15 còn nguyên vẹn tỏ ra là điều khó khăn.

Chiến dịch Moolah

Năm 1952 lực lượng tâm lý chiến của quân đội Mỹ vạch ra một kế hoạch lôi kéo các phi công bất mãn của Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí cả Liên Xô nữa đào tẩu cùng máy bay MiG-15.

Truyền đơn của Mỹ dụ dỗ phi công Triều Tiên, trong đó nêu rõ tiền thưởng. Ảnh: Military History Now.

Để đổi lại việc cung cấp máy bay MiG, các phi công này sẽ được nhận tiền mặt 50.000 USD, cùng quyền tị nạn chính trị và quyền được nhập quốc tịch ở bất cứ nước phương Tây nào mà họ chọn. Để tăng thêm độ hấp dẫn, Mỹ hứa hẹn tặng hẳn 100.000 USD cho phi công đào tẩu đầu tiên.

Chiến dịch này mang mật danh Moolah. Nếu thành công, nó sẽ không chỉ mang lại cho quân đội Mỹ một thiết bị quân sự có giá trị của Liên Xô mà còn thể hiện sự chiến thắng về mặt ý thức hệ trước lối sống “cộng sản”.

Bắt đầu vào tháng 4/1953, Lầu Năm Góc mở một cuộc chiến truyền thông chớp nhoáng nhằm vào các phi công của 3 nước XHCN (Triều Tiên, Trung Quốc, Liên Xô). Từ Nhật Bản các chương trình phát thanh nói về khoản tiền thưởng chĩa sóng ngược lên phía bắc. Tiếp theo đó là các đợt dùng máy bay B-29 thả ồ ạt truyền đơn lên các căn cứ không quân của Trung Quốc và Triều Tiên dọc theo sông Áp Lục (khu vực này còn được biết đến với cái tên Hành lang MiG). Vào cuối tháng 4, hơn một triệu tờ rơi đã được thả. Vào tháng 5, có thêm nhiều truyền đơn hơn nữa rơi xuống khu vực này.

Tuy nhiên kết quả mà Mỹ thu được rất thất vọng. Vào thời điểm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (vào ngày 27/7/1953), không có bất cứ phi công “cộng sản” nào đào tẩu cả, mặc dù vào mùa xuân năm đó xảy ra vụ một phi công Ba Lan đào tẩu khỏi khối XHCN Đông Âu cùng chiếc MiG-15 của anh này.

Thành công ngẫu nhiên?

Mặc dầu vậy, chiến dịch Moolah không hoàn toàn trôi tuột xuống cống. Trong các ngày tiếp theo sau các đợt rải truyền đơn và phát thanh tuyên truyền, các phi công phe Đồng minh phương Tây nhận thấy có sự sụt giảm đột ngột hoạt động của MiG trên không phận đối phương. Bên cạnh đó, trong trường hợp phe Liên Hợp Quốc có giao chiến với MiG sau quãng thời gian đầu tháng 5/1953, các máy bay do Liên Xô sản xuất đột nhiên dễ dàng thua cuộc. Rõ ràng tại thời điểm đó các phi công lão luyện của Liên Xô từng được cho là bắn hạ gần 2.000 máy bay Liên Hợp Quốc từ năm 1950 đã được lệnh ngừng cất cánh.

Các chỉ huy Mỹ kết luận rằng Moscow đã rút các phi đoàn MiG-15 tinh nhuệ của họ do lo sợ mất cả phi công kinh nghiệm và máy bay vào tay phương Tây. Khi đó không quân Triều Tiên bị bỏ lại một mình phòng thủ không phận. Mặc dù chưa có vụ đào tẩu này từ phía bắc vĩ tuyến 38, đối với phe Đồng minh khi ấy dường như chiến dịch Moolah vẫn có tác dụng.

Khoản tiền 100.000 USD rơi vào tay ai?

Vào sáng ngày 21/9/1953 – gần 2 tháng sau khi ký kết hiệp ước đình chiến trên bán đảo Triều Tiên, một phi cơ MiG-15 đơn độc hạ cánh xuống căn cứ không quân Kimpo gần Seoul, Hàn Quốc. Viên phi công Triều Tiên 21 tuổi - trung úy No Kum-sok, bật ra từ buồng lái máy bay và trao nó cho các quân nhân Mỹ lúc đó rất đỗi ngạc nhiên.

Điều bất ngờ là phi công No nói rằng anh ta không hề hay biết về khoản tiền thưởng. Sau khi biết đầu đuôi câu chuyện, anh ta khẳng định rằng khoản tiền thưởng này có lẽ sẽ không tác động nhiều tới anh ta và đồng đội vì ít người trong số họ hiểu được giá trị của đồng tiền Mỹ.

Viên phi công Triều Tiên đào tẩu. Ảnh: Military History Now.

Nhưng dù sao viên phi công trẻ này vẫn được thưởng số tiền trên, đồng thời được cấp quốc tịch Mỹ. Anh ta định cư ở Mỹ và lấy được bằng kỹ sư tại Đại học Delaware. Sau khi phục vụ dài lâu trong ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ, No trở thành một giảng viên đại học, thậm chí ông còn viết một cuốn sách về cuộc đào tẩu có nhan đề “Hành trình một chiếc MiG15 tới Tự do”. Cuốn sách này xuất bản vào năm 1996. Vào tháng 1/2016, No tròn 83 tuổi.

Sau chuyến bay định mệnh của No, chiếc MiG của Triều Tiên được đưa tới Okinawa. Tại đó, máy bay do một nhóm chuyên gia Mỹ gồm phi công hạng ace Chuck Yeager kiểm tra. Hiện nay máy bay nằm trong Bảo tàng Quốc gia Không quân Mỹ ở Dayton, Ohio.

Điều thú vị là một thập kỷ sau đó, quân đội Mỹ áp dụng lại “bài cũ” Moolah trong Chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch Fast Buck của Mỹ hứa hẹn trả 35.000 USD cho phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam chịu bay về miền Nam cùng một chiếc tiêm kích MiG-21 còn nguyên vẹn. NATO gọi MiG-21 là Fishbed./.