Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khép lại chuyến thăm Trung Đông bằng chuyến viếng thăm thủ đô Tehran. Chuyến thăm Iran của ông Tập là chuyến thăm đầu tiên trong hơn một thập kỷ và diễn ra sau khi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện giữa Iran và các cường quốc thế giới được triển khai.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồ hởi bắt tay nhau tại Tehran trong chuyến thăm chính thức của ông Tập. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử quan hệ song phương, đặc biệt là từ góc độ kinh tế.
Đối với nhiều nhà phân tích, nước Iran sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận đã đứng trước vận hội mới để hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu và Trung Quốc là một trong các đối tác để Iran đạt được điều này.
Ông Tập Cận Bình ca ngợi quan hệ “ngàn năm” giữa Trung Quốc và Iran
Có nhiều lý do để tin vào điều này. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh và Iran hậu cấm vận trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho quốc gia Đông Á này. Nền kinh tế Iran đang thoát dần khỏi suy thoái và sẽ có đà tăng trưởng mạnh một khi các chế tài trừng phạt được loại bỏ.
Lĩnh vực hợp tác giữa 2 nước bao gồm ngành công nghiệp hóa dầu, dầu khí, năng lượng thay thế, năng lượng hạt nhân, du lịch và hạ tầng đường sắt.
Hóa dầu và an ninh năng lượng
Iran đặt mục tiêu tăng sản lượng hóa dầu lên khoảng 129 triệu tấn vào năm 2021 – năm kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 6 của Iran. Hướng tới năm 2025, Iran đặt ra mục tiêu sản xuất 180 triệu tấn hóa dầu.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này Iran sẽ cần tới đầu tư nước ngoài, mà trong trường hợp này, Trung Quốc có thể là một đối tác an toàn.
Theo một báo cáo hồi tháng 12/2015 của Wood Mackenzie – một nhóm nghiên cứu và tư vấn về năng lượng toàn cầu, kim loại, và mỏ có trụ sở ở Edinburg, Scotland thì Iran có khả năng thu hút 70 tỷ USD đầu tư vào các dự án hóa dầu.
Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng lớn thứ 2 thế giới và cần Iran giàu dầu mỏ để phòng ngừa các bất ổn về nguồn cung năng lượng.
Iran có thể là một đối tác tin cậy cho Trung Quốc khi mà Iran có lượng dự trữ dầu lớn thứ 4 thế giới và trong vài thập kỷ qua nước này là một trong các quốc gia ổn định nhất khu vực.
Mohammad Khalil, đại diện của nhóm Xodus ở Anh phát biểu rằng “Iran nằm trong 5 quốc gia trên thế giới có lượng dự trữ hydrocarbon cao nhất”.
Sáng kiến một vành đai, một con đường
Cây bút Mu Dong của Tân Hoa xã cho rằng sáng kiến “vành đai và con đường” sẽ mang Iran và Trung Quốc sát lại nhau hơn.
Sáng kiến này, do chính phủ Trung Quốc đưa ra vào năm 2013, đề cập tới “Hành lang Kinh tế Con đường Tơ lụa” và “Con đường Tơ lụa Hàng hải Thế kỷ 21”, kết nối chiến lược phát triển của các nước ở châu Á, châu Âu và châu Phi.
Sáng kiến của Trung Quốc là một phiên bản đương đại của Con đường Tơ lụa cổ xưa. Một quốc gia quan trọng nằm dọc theo con đường này chính là Iran – đất nước kết nối Trung Quốc với các quốc gia châu Âu.
“Thế trận” khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi
Năng lượng thay thế, năng lượng hạt nhân
Nhiên liệu hóa thạch không phải không có lúc cạn kiệt, và việc đầu tư vào năng lượng thay thế là cần thiết. Địa lý của Iran cho phép thực hiện các kế hoạch tham vọng liên quan đến năng lượng thay thế. Gần 2/3 thời gian trong năm ở Iran là có nắng trên hầu hết các khu vực của quốc gia này, khiến cho việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời tỏ ra rất hiệu quả.
Hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 23/1. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trên lý thuyết, Iran có năng lực tạo ra 40.000 megawatt (MW) điện từ các nguồn mặt trời và gió, theo Thứ trưởng Năng lượng Iran Houshang Falahatian.
Đây chắc chắn là một mảng hấp dẫn đối với các công ty Trung Quốc khi mà hiện nay Iran mới chỉ có năng lực khiêm tốn sản xuất 250MW điện thông qua các nhà máy điện mặt trời và khai thác sức gió.
Trong một phỏng vấn độc quyền với tờ Thời báo Tehran, Đại sứ Trung Quốc ở Tehran Pang Sen coi năng lượng mặt trời là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa 2 nước trong bối cảnh thế giới “không thể cứ dựa mãi vào nhiên liệu hóa thạch”.
Trong khi đó, với việc ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc toàn cầu, hợp tác hạt nhân của quốc tế với Iran đã bước vào một giai đoạn mới. Là một quốc gia thành viên của hiệp ước NPT (không phổ biến vũ khí hạt nhân), Iran có quyền tự do sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trung Quốc có điều kiện thuận lợi đóng góp vào ngành năng lượng Iran do Trung Quốc đã nằm trong số các nước tham gia vào việc thiết kế lại lò phản ứng nước nặng Arak.
Bên cạnh đó, ông Pang nói với Thời báo Tehran rằng Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với Iran sản xuất các đồng vị cho mục đích y tế và lọc nước biển.
Khai khoáng, du lịch và đường sắt
Hợp tác khoáng sản giữa Iran và Trung Quốc là một trong các lĩnh vực hứa hẹn nhất. Theo Đại hội Khai khoáng Thế giới (WMC), Trung Quốc và Iran là các nhà chế biến khoáng sản lớn thứ nhất và thứ 10 thế giới năm 2013.
Theo Mehdi Karbasian, giám đốc IMIDRO, các dự án mỏ của Iran có nhu cầu lớn về đầu tư nước ngoài.
Dự trữ khoáng sản của Iran là ở mức 60 tỷ tấn, bao gồm 37 tỷ tấn trầm tích đã được chứng minh, theo Press TV.
Iran chiếm tới hơn 7% tổng dự trữ khoáng sản của thế giới, thế nhưng trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Thứ trưởng Công nghiệp, Khai khoáng và Thương mại của Iran là Mohammad-Masoud Samieinejad cho biết mới chỉ có 20% trong tổng số nguồn khoáng sản của nước này được phát hiện và việc khai thác chế biến nguồn khoáng sản này sẽ đòi hỏi phải có một ngân sách lớn.
Trong bối cảnh đó, đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, các kho dự trữ khoáng sản của Iran có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là khi Iran đã quyết định cho phép nước ngoài vận hành các mỏ của Iran trong 25 năm, theo hãng tin Mehr.
Du lịch cũng là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng khi mà Iran và Trung Quốc có lịch sử rất phong phú. Tuy nhiên, xét từ yếu tố dân số thì Iran có khả năng hưởng lợi rất nhiều.
Với các điểm du lịch tự nhiên, lịch sử và tôn giáo ở các thành phố như là Shiraz, Isfahan, Yazd, Kermanshah, và Tabriz, Iran chắc chắn có tiềm năng lớn thu ngoại tệ từ du khách Trung Quốc.
Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin
Với 5 triệu khách du lịch tới Iran mỗi năm, doanh thu hàng năm của nước này từ ngành du lịch đã chạm ngưỡng trên 7 tỷ USD. Con số này do Giám đốc Tổ chức Nghề Thủ công và Du lịch Di sản Văn hóa của Iran cung cấp tại một hội nghị hồi tháng 5/2015.
Iran đã đặt ra mục tiêu tạo ra khoản thu hàng năm là 30 tỷ USD trong 10 năm từ bây giờ, thông qua các dịch vụ du lịch phục vụ cho hơn 20 triệu du khách. Trung Quốc với một dân số đông là một đích nhắm hấp dẫn cho các nhà hoạch định của Iran.
Với tư cách một quốc gia đang phát triển, Iran cần đến một hạ tầng đường sắt phát triển. Mặc dù nước này sở hữu một trong các mạng lưới đường sắt lâu đời nhất trong khu vực, Iran vẫn rất cần làm mới hoặc thay thế các hệ thống đường sắt này.
Trên thực tế, nâng cấp và mở rộng mạng lưới đường sắt và hệ thống đường ray tốc hành là một trong các chủ đề chính của Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Iran và Trung Quốc được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tehran./.