AP đưa tin, mới đây, xã hội Trung Quốc lại “dậy sóng” trước vụ việc một người phụ nữ 41 tuổi tên là Chen buộc phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc là cô sẽ phải phá thai trái pháp luật khi đã mang bầu con thứ 2 được 8 tháng, hoặc nếu giữ thai thì chồng cô, vốn là một sĩ quan cảnh sát, sẽ bị mất việc. 

thai_nhi_teur.jpg
Cô Chen đang đứng trước lựa chọn khó khăn, hoặc là chồng mất việc, hoặc cô phải từ bỏ em bé trong bụng đã được 8 tháng tuổi. (ảnh minh họa: KT).

“Tôi đang rất lo sợ”

Câu chuyện này khiến nhiều dân cảm thấy bất bình và gọi điện cho giới chức tỉnh Vân Nam- nơi cặp vợ chồng nói trên đang sinh sống và làm việc.

Trong khi đó, một dịch vụ du lịch trực tuyến cam kết sẽ hỗ trợ công ăn việc làm cho người chồng nếu như anh tạ bị mất công việc nhà nước của mình.

Trả lời phỏng vấn AP, người phụ nữ xưng là Chen cho biết, vợ chồng cô đã cảm thấy rất áp lực khi phải cân nhắc giữa việc bỏ đứa con thứ 2 với việc giữ công việc của người chồng ở cơ quan cảnh sát địa phương.

“Tôi đang rất lo sợ. Nếu chồng tôi bảo rằng tôi phải từ bỏ đứa con của mình đi, thì tôi cũng chẳng thể làm được gì hơn”, cô Chen bày tỏ.

Ngoài ra, cô Chen cũng rất khó xử khi công chúng quá quan tâm tới vụ việc của cô.

“Tôi lo rằng chồng tôi sẽ bị mất việc kể cả trong trường hợp chúng tôi đã từ bỏ em bé, nếu như việc này trở nên quá ầm ĩ”, cô Chen lo lắng. 

Theo lời người phụ nữ nói trên, vợ chồng cô từng hy vọng có sự thay đổi trong chính sách để cho phép họ có đứa con thứ 2, nhưng cuối cùng điều này đã không xảy ra. Việc mang thai ngoài ý muốn từ đầu năm nay của vợ chồng cô Chen đã vi phạm quy định hiện hành.

Một quan chức kế hoạch hóa gia đình có tên Wen Xueping ở tỉnh Vân Nam nói rằng cặp đôi có thể sẽ không bị buộc phải bỏ con đi, nhưng phải đối mặt với hàng loạt hậu quả sau đó. Cặp đôi có thể phải nộp khoản tiền phạt khổng lồ do vi phạm chính sách một con, và nếu họ đang làm việc cho nhà nước thì có thể bị sa thải.

Tuy nhiên, Wen cũng cho biết thêm rằng đã có một vài người nghi ngờ rằng việc cặp đôi trên cố tình “khuấy động” dư luận nhằm tránh bị phạt vì đã "phá luật".

Nhiều người muốn bỏ hoàn toàn chính sách một con

Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, việc sinh con thứ 2 là vi phạm chính sách hạn chế sinh đẻ vốn rất nghiêm ngặt của nước này.

Sau 35 năm thực thi nghiêm khắc chính sách một con, kể từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một. Nhiều khu vực đã thay đổi luật dựa theo quy định mới này.

Tuy đã được nới lỏng nhưng vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng khao khát có đứa con thứ 2 nhưng lại bị rơi vào trường hợp “cấm đẻ” như gia đình cô Chen.

Câu chuyện của cô giáo Qin Yi - giáo viên trung học ở huyện Lệ Ba, tỉnh Quý Châu thuộc miền tây nam Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Ngày 12/5, giới chức phụ trách kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quý Châu yêu cầu Qin phải phá thai trước ngày 31/5 hoặc sẽ mất việc, China Daily đưa tin.

Trước khi chuyển tới sống và làm việc ở Quý Châu, Qin và chồng, anh Meng Shaoping, đều từng có gia đình. Mỗi người có một con gái trong cuộc hôn nhân trước. Tuy nhiên, Qin vẫn muốn sinh thêm con, nhằm đảm bảo hôn nhân bền vững.

Qin quá bàng hoàng bởi ba tháng trước chị đã nhận giấy cho phép sinh con từ thành phố Hoàng Sơn, thuộc tỉnh An Huy ở phía đông của Trung Quốc, nơi đăng ký thường trú. Cái thai trong bụng cô Quin, vào thời điểm nhận thông báo từ giới chức kế hoạch hóa gia đình, đã được 5 tháng tuổi.

Theo quy định của tỉnh An Huy, các cặp đôi kết hôn lần hai có thể đẻ con thứ hai, nhưng Quý Châu lại không có quy định cụ thể về việc này. Giới chức phụ trách kế hoạch hóa gia đình là người có thẩm quyền quyết định cuối cùng. 

Theo ước tính, chế độ một con ở Trung Quốc đã ép hàng ngàn thai phụ phải phá thai, nhiều trường hợp thai nhi đã được trên 6 tháng. (Ảnh Weibo.com)

Trước đó, hồi năm 2012, dư luận Trung Quốc đã vô cùng giận dữ khi một phụ nữ 23 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây bị buộc phải phá thai dù đã cận ngày sinh nở.

Lý do phá thai là bởi cô không thể trả được khoản tiền phạt 40.000 NDT (6.320 USD) cho việc sinh con thứ 2. Bức ảnh chụp cảnh người mẹ nằm cạnh thi thể đứa bé không được cất tiếng khóc chào đời được tung lên mạng Weibo một tuần sau đó gây nên làn sóng phẫn nộ chưa từng có ở Trung Quốc.

Vì việc này, một loạt quan chức kế hoạch hóa gia đình ở địa phương đã bị kỷ luật, bởi vì trước đó chính phủ Trung Quốc cũng đã có cảnh báo nghiêm khắc rằng không được phép ép phụ nữ phá thai cận sinh, AP cho biết.

Trước những bi kịch nói trên, nhiều người dân tại Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi bỏ hoàn toàn chính sách một con khắc nghiệt, vì cho rằng nó không còn phù hợp trong thời buổi này. Ngày càng nhiều cặp vợ chồng cũng không còn muốn sinh thêm đứa con thứ 2 dù họ có đủ mọi điều kiện.

New York Times nhận định, trong cuộc sống hiện đại, nhiều người gia đình ở thành thị không còn theo quan điểm truyền thống là "đông con đông của". Họ cảm thấy một đứa con đối với họ thế là đủ.

Tại Bắc Kinh, chỉ có 6% số cặp vợ chồng đủ chuẩn đã nộp đơn xin sinh thêm con tính đến cuối tháng 9/2014, sau khi chính phủ nới lỏng quy định của chính sách một con.

Trên toàn quốc, trong năm 2014, số ca sinh chỉ nhiều hơn năm 2013 khoảng 470.000 ca, chưa bằng một nửa con số 1 triệu ca sinh tăng thêm như dự báo của chính phủ.

Trong một cuộc khảo sát không chính thức của Sina.com với người sử dụng Internet ở đô thị Trung Quốc trong năm 2013, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ không có kế hoạch sinh con thứ hai, do chi phí cao trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ và do áp lực cân bằng công việc và gia đình.

Một số nhà nhân khẩu học dự đoán rằng việc nới lỏng chính sách một con sẽ không dẫn đến một sự bùng nổ dân số, vì rằng, người Trung Quốc, như bất kỳ người ở đâu, khi càng trở nên giàu có, họ càng muốn sinh ít con hơn.

Hệ lụy của chính sách một con vẫn lơ lửng trên đầu

Bài viết xuất bản trong tháng 3/2015 trên tờ "Le Figaro" của Pháp mang tựa đề "Trung Quốc trong bẫy dân số" cho rằng chính sách một con duy nhất, biện pháp khắc nghiệt để kiềm chế gia tăng dân số giờ đây đang để lại những hậu quả lâu dài về mặt kinh tế-xã hội của Trung Quốc. 

Ngày càng nhiều bé nam hơn bé nữ do chính sách một con của Trung Quốc. (ảnh: AP).

Theo bài báo, mặc dù đã được điều chỉnh cho mềm dẻo hơn, nhưng chính sách một con đã để lại hậu quả nhãn tiền: Tình trạng lão hóa dân số đang ngày càng trầm trọng.

Trong vòng 3 năm liên tiếp gần đây, số lượng người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã giảm 3,7 triệu người và theo đà này thì đến năm 2050, theo ước tính sơ bộ của Liên Hợp Quốc, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc thay vì 10% ở năm 2000.

Đi kèm theo thực trạng này sẽ là những khó khăn chi phí cho chính sách xã hội và xa hơn có thể gây bất ổn chính trị.

"Le Figaro" nhận định hiện tượng này đang là một quả bom dân số nổ chậm đối với Bắc Kinh. Đến giờ chính quyền có khuyến khích thì cũng không mấy cặp vợ chồng ở thành thị muốn có thêm con thứ 2.

Trước những hệ lụy treo lơ lửng như vậy, tại sao Trung Quốc không loại bỏ hoàn toàn chính sách một con? Trong một bài viết đăng tải vào tháng 6/2015, cây bút Dai Qing của New York Times lý giải, đơn giản là vì chính sách một con đã luôn là một trong những phương tiện kiểm soát dân số mạnh mẽ nhất của chính phủ.

Với sự nới lỏng năm 2013, dù các dữ liệu mới cho thấy không có một sự bùng nổ dân số và thực sự nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn có thêm con, chính phủ vẫn muốn kiểm soát chặt chẽ thêm về vấn đề này. Báo chí Trung Quốc cho biết, hiện nay chính phủ vẫn không chấp nhận chính sách 2 con, nhà báo Dai Qing viết.

Bên cạnh đó, nhà báo Dai Qing nhấn mạnh thêm, kiểm soát dân số quá chặt chẽ không phải là một giải pháp hiệu quả, giáo dục mới là điều cần làm hiện nay.

Theo Dai Qing, giáo dục là phương tiện để mở rộng nhận thức của một phụ nữ, cho cô sự tự tin, giúp cô đánh giá cao sự sáng tạo và chất lượng cuộc sống của mình, và làm cho cô nhận ra tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội./.