Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khẳng định, xứ này quyết tâm lại Liên minh châu Âu (EU) bất chấp việc đa số cử tri Vương quốc Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời liên minh này hồi tuần trước (hay còn gọi là Brexit).

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tại Brussel (Bỉ) bà Sturgeon cho biết, Scotland không muốn rời khỏi EU.

Bà Sturgeon khẳng định: “Chúng ta đang ở giải đoạn rất sơ khai của tiến trình này. Tôi phải làm rõ nguyện vọng của Scotland là bảo vệ quan hệ của chúng tôi với EU. Tôi đến Brussel hôm nay là để mọi người hiểu rằng Scotland không như những phần khác của vương quốc Anh.”

martin_schulz_qvbc.jpg
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon.

Chuyến đi của Thủ hiến Scotland tới Brussel diễn ra đúng vào thời điểm các nhà lãnh đạo EU tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày nhằm thảo luận các vấn đề sau khi vương quốc Anh chọn rời khỏi EU.

Dự kiến, bà Sturgeon sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại từ chối gặp Thủ hiến Scotland với lý do “chưa phải là thời điểm thích hợp”.

Giới phân tích nhận định, nhân chuyến thăm lần này, Thủ hiến Sturgeon - người chủ trương Scotland độc lập khỏi Anh - cũng muốn thúc đẩy đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh và đánh tiếng về việc Scotland ở lại EU một khi nước Anh hoàn tất tiến trình tách ra khỏi liên minh này.

Liên quan đến việc Anh rời khỏi EU, ngày 29/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ một gợi ý của Italy mong muốn điều chỉnh quy định về thâm hụt ngân sách sách và hỗ trợ các ngân hàng của EU để ứng phó với những nguy cơ cho thị trường.

Bà Merkel cho rằng, hiệp ước ổn định và tăng trưởng của châu Âu đủ tính linh hoạt để ứng phó với trường hợp này.

Bà Merkel nêu rõ, EU cũng vừa đưa ra hàng loạt quy định mới liên quan đến liên minh ngân hàng, quy định về phá sản và tái cấp vốn do đó sẽ là không hợp lý nếu cứ thay đổi quy định 2 năm một lần bởi điều đó tốn rất nhiều công sức.

Theo Merkel bà, có những trường hợp đầu tiên đã phải dùng đến những quy định mới để xử lý và thực tế chứng tỏ các quy định vừa ban hành vẫn phục vụ tốt cho những yêu cầu của từng quốc gia thành viên.

Bình luận của Thủ tướng Merkel đưa ra sau khi Italy tỏ ý muốn vực dậy các ngân hàng trong bối cảnh bất ổn tài chính vì sự ra đi của Anh.

Các quan chức Italiy cũng nhân dịp này muốn tăng cường tính linh hoạt trong các quy định tài chính của EU.

Quy định hiện hành của EU chỉ cho phép chính phủ các nước thành viên ra tay cứu giúp các ngân hàng trong những trường hợp vô cùng đặc biệt.

Tuy nhiên, hiện thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng phản ứng khá bình tĩnh trong tình huống này khi tuyên bố chưa nới lỏng chính sách tiền tệ một cách vội vàng./.