Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo hoàng Francis nhấn mạnh vai trò của Bulgaria như là một cầu nối giữa Đông và Tây, giữa Nam và Bắc, đồng thời ca ngợi sự tôn trọng của Bulgaria đối với tính đa dạng trong văn hóa.  

Nói về những thách thức nhân khẩu học mà Bulgaria đang phải đối mặt, Đức Giáo hoàng cho biết, Bulgaria không chỉ phải nếm trải hậu quả của làn sóng người dân di cư sang các nước để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn, mà song song với đó Bulgaria cũng đang phải đối mặt với làn sóng người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh, xung đột và đói nghèo từ nơi khác xâm nhập vào lãnh thổ để tới các nước phương Tây giàu có khác.

pope_greece_2016_afp_1556421940483197448887_ladc.jpg
Đức Giáo hoàng Francis từng đến thăm người di cư đang ở tạm trên đảo Lesbos, Hi Lạp năm 2016. (Ảnh: AFP)

Cảnh báo về viễn cảnh thiếu nguồn nhân lực trong tương lai được mô tả như là “một mùa đông nhân khẩu học đầy băng giá,” Đức Giáo hoàng đưa ra gợi ý với Bulgaria để giải bài toán này: “Tôi mong các bạn làm tất cả những gì có thể, tạo mọi điều kiện tốt nhất để giới trẻ và gia đình của họ có thể đầu tư trí tuệ, công sức vào đất nước để họ thực sự có một cuộc sống xứng đáng ở quê nhà. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các bạn, theo phong tục tập quán tốt nhất của mình, hãy mở rộng vòng tay và trái tim đối với những ai gõ cửa nhà mình”.

Bulgaria là một trong những nước không mặn mà trong việc tiếp nhận người tị nạn. Nước này đã xây dựng lớp rào thép gai dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn người tị nạn vượt biên vào lãnh thổ. Ngoài ra, chính phủ Bulgaria cũng muốn Liên minh châu Âu đóng cửa biên giới với người tị nạn. Hiện, các trung tâm tiếp nhận người tị nạn của Bulgaria có tỷ lệ lấp đầy chỉ 10%.

Francis là Đức Giáo hoàng thứ hai tới thăm Bulgaria sau chuyến thăm của cố Đức Giáo hoàng John Paul đệ nhị năm 2002. Sau Bulgaria, ông sẽ tới Bắc Macedonia./.