"Một quyết định đồng thuận không thể được thực hiện bởi có một quốc gia, đó là Hungary sẽ phủ quyết điều đó", ông Borrell nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin COPE của Tây Ban Nha.

Cùng thời điểm, ông Borrell dường như thừa nhận lập trường của Hungary khi nói rằng: "Từ bỏ những điều bạn không có thật dễ dàng", đồng thời cho biết các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu khí đốt Nga hiện đang trong tình thế khó khăn”.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người gần đây vừa tái đắc cử, vào tuần trước đã nhận định rằng khí đốt Nga là lựa chọn duy nhất của nước này bởi Hungary không giáp biển và không thể nhận trực tiếp khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Borrell cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các nước EU cần phụ thuộc ít hơn vào năng lượng Nga khi cho rằng việc mua khí đốt từ Nga là đang "tài trợ cho chiến tranh". Dù vậy, ông thừa nhận, không thể cắt giảm sự phụ thuộc 55% khí đốt vào Nga chỉ qua một đêm khi nhắc đến trường hợp của Đức. Trước đó, một quan chức Đức cho biết nền công nghiệp nước này sẽ "sụp đổ" nếu cắt đứt nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, ông Borrell khẳng định EU phải giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga nhanh nhất có thể và đề xuất các kế hoạch để bắt đầu với dầu mỏ. Nga hiện cung cấp khoảng 40% khí đốt và khoảng 1/3 dầu mỏ cho các nước EU.

Quan chức đối ngoại EU cũng vạch ra tình thế khó khăn của liên minh này khi một mặt muốn hỗ trợ Ukraine nhưng mặt khác lại không muốn can thiệp vào cuộc xung đột bởi điều đó có thể khiến chiến tranh leo thang trong khi EU không phải một liên minh quân sự.

Ông cũng cho rằng đồng rúp của Nga đã chứng minh khả năng chống chịu trước các lệnh trừng phạt quốc tế: "Đồng rúp đã cho thấy khả năng chống chịu mạnh mẽ, Tổng thống Putin hiện yêu cầu phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp để duy trì giá trị của đồng tiền này. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra tiếp theo"./.