Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh tại Brussels chiều ngày 24/06 với các thảo luận về tình hình kinh tế, trong đó trọng tâm là việc chuẩn bị kế hoạch ứng phó với kịch bản Nga cắt nguồn cung khí đốt ngay trong những tháng tới, đồng thời vạch ra chiến lược năng lượng mới để kiên quyết chấm dứt nguồn cung giá rẻ từ Nga.
Sau ngày họp đầu tiên đáng chú ý với một hành động mang nặng tính biểu tượng là việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu, ngày họp thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels dành phần lớn thời gian để thảo luận về các vấn đề kinh tế, trong đó có mối lo lạm phát và nguy cơ khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc chiến tại Ukraine và việc Nga bắt đầu cắt giảm mạnh các nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Mặc dù không đưa ra được một quyết sách cụ thể nào nhưng nguyên thủ các nước EU đã cùng ra tuyên bố cho biết “thời kỳ năng lượng giá rẻ đã chấm dứt” và Liên minh châu Âu sẽ không quay lại với các nguồn cung dầu mỏ, khí đốt cũng như than đá từ Nga. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng cho biết, nguyên thủ các nước EU đã giao nhiệm vụ cho Uỷ ban châu Âu tìm mọi cách đảm bảo nguồn cung năng lượng với giá hợp lý cho châu Âu và trong tháng 07/2022 sẽ phải đệ trình lên Hội đồng châu Âu một bản kế hoạch về các biện pháp chuẩn bị để ứng phó với kịch bản Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu.
Mối lo ngại này đang ngày càng gia tăng với các nước châu Âu khi trong 2 tuần qua, Nga bắt đầu cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho các nước châu Âu, đặc biệt là Đức. Các nước châu Âu cho rằng Nga đang “vũ khí hoá năng lượng” nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt với Nga do cuộc chiến tại Ukraine, dù phía Nga khẳng định, việc cắt giảm này hoàn toàn vì nguyên nhân kỹ thuật.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck thừa nhận, các diễn biến hiện nay có thể đẩy nền kinh tế Đức vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi hàng triệu hộ gia đình cùng như hàng ngàn doanh nghiệp tại Đức phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga bởi trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, có đến 56% tiêu dùng khí đốt của Đức là nhập từ Nga.
Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt sẽ khiến Đức không thể hoàn thành mục tiêu lấp đầy ít nhất 90% kho dự trữ khí đốt của nước này trước mùa Đông năm nay. Tình hình này đang làm dấy lên các tin đồn rằng Đức có thể quốc hữu hoá một phần đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc 2” do Nga xây dựng để vận chuyển khí thiên nhiên hoá lỏng nhập khẩu (LNG), một hành động chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng với Nga.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ các tin đồn này. Ông nói: “Các đồn đoán về những việc sẽ xảy ra sau khi kết thúc việc bảo trì đường ống dẫn dầu này là vô lý. Chúng tôi phải chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi các nguồn cung năng lượng và cần phải thực hiện việc này thật nhanh. Đó cũng là lí do chúng tôi đang thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga nhanh hơn”./.