Hội nghị An ninh Munich lần thứ 50  khai mạc tại thành phố Munich, Đức ngày 30/1 với sự tham dự của hơn 400 quan chức, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ cùng khoảng 50 bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng các nước.

Hội nghị thường niên này sẽ đề cập đến những vấn đề quốc tế gai góc, từ cuộc chiến Syria đến tình trạng bất ổn ở Ukraine và chương trình hạt nhân Iran cũng như hoạt động do thám mạng của Mỹ.

gauck_copy.jpg
Tổng thống Joachim Gauck phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh AP)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Joachim Gauck đã kêu gọi nước Đức đóng vai trò lớn hơn và có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế. 

Ông nhấn mạnh, Đức chủ trương giải quyết các vấn đề bằng con đường ngoại giao, song khi cần quân đội sẽ không đứng ngoài cuộc. Theo ông, Berlin cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc can thiệp vào các cuộc xung đột. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Đức tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị An ninh Munich.

Tại hội nghị, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng nêu rõ Đức sẽ tăng cường các cam kết quốc tế của mình, đặc biệt trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở châu Phi.

Bà Leyen khẳng định, Đức ủng hộ sứ mệnh sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) đối với Cộng hòa Trung Phi và sẵn sàng tham gia các nỗ lực ở Mali. Bà kêu gọi châu Âu có trách nhiệm lớn hơn trong Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong thời gian diễn ra hội nghị các đại biểu cũng thảo luận  các vấn đề mang tính cấu trúc an ninh toàn cầu, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, tương lai tiến trình hòa bình Israel và Palestine và đặc biệt là cuộc nội chiến ở Syria.

Nhân các cuộc thảo luận tại Hội nghị an ninh Munich, Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, ông Brahimi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria sau khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập tại Hội nghị Geneva 2 vừa kết thúc ngày 31/1 mà không đạt kết quả đáng kể nào.

"Tôi cũng hy vọng rằng những người có ảnh hưởng đến chính phủ và cả phe đối lập tại Syria, sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng, các bên sẽ quay trở lại đàm phán vào ngày 10/2 tới để thảo luận một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng nhằm  kết thúc cuộc xung đột tại Syria”, ông Brahimi tuyên bố.

Ngoài ra, mối quan hệ đang gặp nhiều sóng gió giữa hai bờ Đại Tây Dương do vụ nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng sẽ là một chủ đề nóng được thảo luận trong thời gian diễn ra Hội nghị.

Bên lề Hội nghị An ninh Munich, cũng diễn ra nhiều cuộc gặp quan trọng như cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga, Mỹ bàn về vấn đề Syria, cuộc gặp của ngoại trưởng Mỹ với lãnh đạo phe đối lập tại Ukraine, cuộc gặp của nhóm Bộ Tứ gồm: Liên Hợp Quốc, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu để thảo luận biện pháp cho xung đột Israel và Palestine.

Được thành lập năm 1962, Hội nghị an ninh Munich là diễn đàn chính để trao đổi ý kiến và điều phối quan điểm của giới chính trị, ngoại giao, quân sự và chuyên viên về những vấn đề quốc tế cấp bách nhất./.