Một phong trào ở vùng miền Đông giàu tài nguyên dầu lửa của Libya ngày 24/10 đơn phương tuyên bố thành lập nhà nước tự trị ở đây lấy tên là Barqa. Chính quyền ở Tripoli bác bỏ tuyên bố này nhưng chưa có bình luận chính thức nào. Diễn biến này là thách thức mới nhất đối với chính quyền trung ương còn non yếu của Libya.

kiem-tra-o-to1.jpg
Tình hình ở Lybia luôn bất ổn khiến binh sĩ Lybia phải kiểm tra gắt gao đối với các phương tiện giao thông (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo các nhóm vũ trang và bộ lạc ở miền Đông Libya cho rằng, chính quyền trung ương có sự phân biệt đối xử với họ nên muốn khôi phục lại một chế độ như thời vua Idris vào năm 1951. Khi đó Libya được chia làm 3 tiểu vương quốc, trong đó Barqa bao trùm một nửa phía Đông Libya.

Người đứng đầu nhà nước tự trị tự xưng Barqa, ông Abd-Rabbo al-Barassi cho biết, bộ máy chính quyền địa phương có 24 vị trí, trong đó không bao gồm cơ quan quốc phòng và ngoại giao.

Miền Đông Libya sẽ được chia làm 4 tỉnh gồm Benghazi, Tobruk, Ajdabiya và Jebel Akhdar.

Tuyên bố này có thể là bước đầu tiên của một tiến trình chia cắt Libya trong bối cảnh vẫn tồn tại nhiều bất đồng nội bộ sau những chính biến lật đổ ông Muammar Gaddafi. Các nhóm vũ trang ở phía Đông kiểm soát toàn bộ các nút xuất khẩu dầu lửa ở miền Đông Libya. Những mâu thuẫn với chính quyền trung ương đã làm gián đoạn việc xuất khẩu dầu lửa, nguồn thu chủ yếu của chính phủ, giảm lượng dầu xuất khẩu của Libya từ 1,4 triệu thùng/ngày xuống còn 600.000 thùng/ngày./.