Hoạt động uống rượu bia sau giờ làm việc ở Nhật còn được gọi là nominication, kết hợp giữa động từ nomu (uống) trong tiếng Nhật và từ communication (giao thiệp) trong tiếng Anh. Từ ghép trên ám chỉ đến các cuộc ăn uống bắt buộc giữa sếp và nhân viên trong một công ty sau khi tan ca.
Nhậu sau giờ làm việc ở Nhật được xem là nghi thức để gắn kết mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Ảnh: Japan Times. |
Theo quan niệm thông thường, nhậu với sếp sẽ giúp xây dựng sự gắn kết của đội ngũ nhân viên trong một môi trường thoải mái. Đối với những nhân viên đang muốn tìm cách thăng tiến, đó là cách tốt nhất để giành sự ủng hộ từ cấp trên. Đối với các sếp, những cuộc nhậu như vậy, dù ở hộp đêm cao cấp hay phòng karaoke, sẽ giúp xây dựng quan hệ, giải tỏa căng thẳng và khi sếp đứng ra tính tiền, điều này cũng ngầm nhắc nhở các nhân viên rằng ai là người lãnh đạo.
Các cuộc nhậu như vậy được ngầm quy định như một cuộc trà đạo và có tầm quan trọng về văn hóa nhất định, nên việc tham dự gần như là điều bắt buộc.
Tuy nhiên, văn hóa uống giao lưu sau giờ làm có thể đang tiến đến hồi kết do vấp phải sự chống đối ngày càng gia tăng, đặc biệt từ những phụ nữ Nhật Bản đi làm, vốn cảm thấy đó là sự cản trở và bất công giới tính đối với họ.
"Các quản lý không nên mời một nhân viên khác giới uống riêng, nếu không hiểu nhầm có thể nảy sinh, khiến công việc của nhân viên trở nên phức tạp một cách không cần thiết", phó giáo sư Kazuaki Yamauchi từ Đại học Aizu viết trong nghiên cứu trình bày tại một hội nghị thảo luận về cách thực hành tốt nghi thức nominication hồi năm 2011.
Đối với những phụ nữ nhắm đến mục tiêu thăng tiến trong doanh nghiệp, văn hóa uống giao lưu bắt buộc có nguồn gốc sâu xa từ các vấn đề giới tính nơi công sở. Nam giới chiếm đến 87% vị trí lãnh đạo ở Nhật, trong khi đó, chênh lệch thu nhập theo giới tính là 24,5%, mức cao thứ ba ở các nước có nền kinh tế phát triển, chỉ sau Hàn Quốc và Estonia. Phụ nữ Nhật Bản, nếu đi làm, thường chỉ làm bán thời gian với số tiền lương tương đối ít ỏi so với nam giới.
Sự bất công này cũng như các căng thẳng dồn lên những phụ nữ vừa chăm sóc con nhỏ vừa đi làm đã khiến Saiko Nanri, một lãnh đạo tại ngân hàng lớn nhất Nhật Bản MUFG thuộc tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group, yêu cầu chấm dứt nominication, bắt đầu từ đội ngũ của bà.
Nanri cho rằng thói quen uống giao lưu sau giờ làm không giúp tăng hiệu quả công việc và bất công đối với những người đi làm có con nhỏ. "Nó không giống như kiểu tôi có bất kỳ kiến thức đặc biệt nào để chia sẻ với nhân viên bằng cách uống với họ mỗi ngày", bà nói.
Vì sao một số người hưu trí Nhật Bản lại thích được đi tù?
Là một bà mẹ có hai con ở tuổi vị thành niên, Nanri muốn các nhân viên phải tăng cường trao đổi trong giờ làm việc vào ban ngày và hối thúc họ dành thời gian cho gia đình và bạn bè vào buổi tối.
Bà cho biết các phản hồi với quy định bà đưa ra rất tích cực. Một số nhân viên có con nhỏ nói với bà rằng họ cảm kích vì không còn cảm thấy bị gạt bỏ khi từ chối tham gia các cuộc nhậu xây dựng mối quan hệ nhóm.
Quan điểm của Nanri phản ánh xu hướng phản đối của một bộ phận nhân viên công sở Nhật Bản cho rằng các thói quen làm việc lạc hậu đang cản trở năng suất lao động và làm nản lòng những phụ nữ muốn duy trì công việc. Một số phụ nữ Nhật Bản cảm thấy bực bội vì vẫn phải cố làm vui lòng sếp sau một ngày làm việc dài.
"Nghi thức lỗi thời này đang gây cản trở đối với những bà mẹ đi làm và những ông bố muốn hỗ trợ việc nhà cũng như những người lao động nước ngoài từng quen với sự cân bằng công việc và cuộc sống riêng", giáo sư Kumiko Nemoto từ Đại học Ngoại ngữ Kyoto viết trong một nghiên cứu về bất công giới tính nơi công sở tại Nhật Bản.
"Chấm dứt nghi thức nominication là bước đầu tiên để gia tăng sự đa dạng hóa giới tính tại nơi làm việc, sự thăng tiến dựa trên năng lực và các cuộc trao đổi cởi mở trong giờ làm việc", Nemoto nhấn mạnh.
Bi kịch phải làm việc quá nhiều đến chết ở thanh niên Nhật Bản
Liệu các lời kêu gọi chấm dứt nominication có lan tỏa rộng rãi không vẫn là điều chưa chắc chắn. Một cuộc khảo sát ý kiến 30 lãnh đạo doanh nghiệp vào năm 2011 do phó giáo sư Kazuaki Yamauchi thực hiện cho thấy họ xem nominication đóng vai trò quan trọng trong xã hội Nhật Bản, giúp xây dựng các mối quan hệ và ký kết hợp đồng kinh doanh thuận lợi hơn.
"Rượu có thể giống như dầu nhớt", Kazuaki Yamauchi nói, ám chỉ các cuộc nhậu sau giờ làm có thể giúp công việc vận hành trơn tru.
Vì nhiều công ty Nhật không có các hệ thống chính thức đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên nên các quản lý thường dựa vào những cuộc nhậu sau giờ làm để đánh giá họ, theo giáo sư Kumiko Nemoto. Điều đó có nghĩa những nhân viên không dự các chầu nhậu sau khi tan sở có thể lĩnh hậu quả, chẳng hạn không được đề bạt lên vị trí cao hơn.
Tuy nhiên, quan điểm của giới trẻ Nhật về nominication đang thay đổi. "Các nhân viên trẻ Nhật Bản giờ đây không muốn nhậu giao lưu với các sếp giống như thế hệ nhân viên lớn tuổi", Hiroki Tahara, chuyên gia tư vấn nhân sự, cho hay.
Saori Yano, 24 tuổi, từng làm việc cho một công ty môi giới việc làm ở Tokyo, nơi cô và các đồng nghiệp phải thay phiên đi nhậu với sếp vài lần mỗi tuần sau khi kết thúc ca làm lúc 22h. "Ông ấy nói ông ấy sẽ lắng nghe chúng tôi tại các cuộc nhậu vì ông ấy quá bận rộn trong giờ làm việc nhưng thường thì chúng tôi phải lắng nghe những lời ba hoa của ông ấy", cô kể./.