Nếu bạn đi dọc theo các con phố của Trung Quốc ngày nay, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra đa phần thanh niên ở đó đeo kính. Chẳng hạn theo Tân Hoa xã, ở Thượng Hải, có tới 86% học sinh trung học bị cận thị.
Một nghiên cứu được xuất bản vào hôm 5/2 đưa ra một gợi ý cho việc tìm hiểu nguyên nhân cận thị: Tỷ lệ cận thị ở một tỉnh có thu nhập bậc trung gần như gấp đôi ở tỉnh nghèo hơn.
Các phát hiện này ủng hộ các nghiên cứu trước đây cho rằng cận thị nói chung là gắn với mức thu nhập cao hơn, mức độ đô thị hóa và mức độ học hành. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng vẫn chưa rõ về cách thức ảnh hưởng của các khác biệt kinh tế đối với bệnh cận thị.
Một người mẹ ở Thượng Hải, có con gái 4 tuổi, nói chị rất lo lắng. Cháu trai 10 tuổi của chị này cũng đã bị cận thị và chị lo lắng thị lực của con mình cũng sẽ bị giống thế.
Wang có lý do riêng giải thích hiện tượng cận thị gia tăng quá nhanh ở trong nước mình.
Wang nói: “Đôi lúc khi bố mẹ bận bịu không chơi được với con trẻ, họ sẽ quăng điện thoại di động hoặc iPad cho bọn trẻ tự choi. Lũ trẻ sẽ hoàn toàn mải miết với các trò chơi điện tử - điều này rất có hại cho mắt các cháu”.
Mặc dù nhìn liên tục vào màn hình có thể gây ra một số vấn đề tạm thời như là khô mắt và nhìn mờ, hiện vẫn chưa rõ liệu máy vi tính và iPad có gây ra bệnh về mắt, như là cận thị hay không.
Tiến sĩ He Mingguang, một nhà nhãn khoa và nhà nghiên cứu hàng đầu về cận thị, đưa ra một giả thuyết khác.
“Đó chính là hệ thống giáo dục tại nhà trường”, ông nói. Nghiên cứu chỉ ra, ở Trung Quốc hệ thống bài tập về nhà quá tải đang khiến mắt bọn trẻ bị căng mỏi. Thường thường một đứa trẻ 10 tuổi ở đây sẽ ăn bữa tối phụ rồi học liền tù tì từ 19h đến 23h30 hoặc nửa đêm.
Ông He, hiện là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Melbourne (Australia) cho hay việc thay đổi thói quen ở Trung Quốc là rất khó khăn do áp lực cạnh tranh trong xã hội là rất lớn. Học sinh bị ép dành khối lượng lớn thời gian để ôn thi đại học.
He nói: “Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cho rằng nếu con cái họ trượt kỳ thi đầu vào đại học thì họ sẽ không có được nghề nghiệp tốt”.
Một nghiên cứu khác được xuất bản hồi năm 2008 - tập trung vào học sinh gốc Hoa ở Singapore và Sydney - cho thấy việc dành nhiều thời gian ở ngoài trời dưới ánh nắng có tác dụng giảm nguy cơ cận thị.
Các sinh viên trong đợt khảo sát này ở cả hai nước đều dành lượng thời gian cho học tập tương đương nhau. Nhưng 29% học sinh Singapore bị cận thị so với chỉ 3% ở Sydney.
Ian Morgan, một nhà sinh vật học đã nghỉ hưu tại Đại học Quốc gia Australia nói: “Sự khác biệt lớn là trẻ em Trung Quốc ở Australia ở ngoài trời nhiều hơn nhiều so với các bạn bè đồng trang lứa ở Singapore”.
Morgan là đồng tác giả của nghiên cứu năm 2008.
Morgan nghĩ rằng ánh mặt trời có thể kích thích việc tiết dopamin từ võng mạc và ngăn cản việc phồng thủy tinh thể gây ra cận thị.
Nhiều trẻ em Trung Quốc bị cận thị không đeo kính và cố gắng sống với chứng bệnh cận thị. Vấn đề không phải là tiền, một cặp kính cận thị loại tầm tầm có giá chỉ 5 USD. Lý do là một số người Trung Quốc không tin tưởng vào kính mắt.
Tiến sĩ Nathan Congdon, một nhà nhãn khoa tại Trung tâm Nhãn khoa Trung Sơn tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu nói: “Cha mẹ, giáo viên và một số bác sĩ vùng nông thôn nghĩ rằng việc đeo kính sẽ có hại cho mắt của trẻ em... Ở vùng nông thôn Trung Quốc, chỉ khoảng 1/6 trẻ em cần kính là thực sự dùng kính”.
Congdon có tham gia các nghiên cứu ở Trung Quốc khẳng định rằng việc đeo kính không làm suy yếu thị lực và thực sự cải thiện thành tích học tập. Ông hy vọng vào việc sử dụng các dữ liệu này để thay đổi nếp nghĩ của người dân và thuyết phục chính phủ cung cấp thêm kính cận cho trẻ em. Theo ông này, ít nhất lũ trẻ bị cận có thể đọc tốt chữ trên bảng./.