Các nhà khoa học khám phá ra rằng từ ba ngàn năm trước, người Ai Cập cổ đại đã tìm kiếm sự bất tử bằng việc nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp ướp xác nhằm bảo quản xác chết có thể tồn tại nhiều đời sau.

king_tutankhamun_ongh.jpgXác ướp vua Tutankhamun (Ảnh:National Geographic)
Một trong những xác ướp nổi tiếng nhất được tìm thấy là xác ướp của Vua Tutankhamun đã được quét một lớp dầu ướp xác và bọc bằng lớp vải lanh, được cất giữ trong ngôi mộ chứa đầy vàng.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng người Ai Cập bắt đầu việc ướp xác từ khoảng 2600 năm TCN, trong thời gian kim tự tháp Giza được xây dựng. Nhưng giờ đây, theo trang Live Science, họ cho biết đã tìm thấy những dấu tích về những tấm vải liệm dùng để mai táng người chết có niên đại lâu đời hơn nhiều.

Những tấm vải lanh này được tìm thấy từ khu mộ tại di tích Badari và Mostagedda có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới, khoảng 4500 đến 3100 năm TCN. Các nhà khảo cổ của Anh đã khám phá ra khu mộ này từ những năm 1920 nhưng khi ấy, các nhà nghiên cứu cho rằng việc những cái xác trong khu mộ được bảo quản tốt là nhờ cát tự nhiên trên sa mạc luôn nóng và khô.

Nhưng những báo cáo mới nhất ngày 13/8 trên tạp chí PLOS ONE cho thấy người Ai Cập vào thời điểm đó đã chế ra một hỗn hợp ướp xác làm từ mỡ động vật, nhựa cây và một chất chiết xuất từ thực vật có chưa các thành phần kháng khuẩn mạnh.

Theo bà Alice Stevenson, người phụ trách bảo tàng khảo cổ Ai Cập ở London cho biết khám phá này đã chứng minh việc nghiên cứu các cổ vật được tìm thấy cả trăm năm trước vẫn có thể cho chúng ta thấy những điều mới mẻ về thời kỳ cổ đại.

Trưởng nhóm nghiên cứu Jana Jones của Đại học Macquarie ở Sydney, Australia cùng các cộng sự đã kiểm tra khoảng 50 mẫu vải bọc xác ướp, chủ yếu lấy từ ngôi mộ ở Mostagedda, nay là tỉnh Asyuti, Ai Cập.

Ông Stephen Buckley, nhà hóa học kiêm khảo cổ học tại Đại học York, Anh cho biết những mảnh vải này trong giống sáp nên các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng chúng đã được bao phủ bằng một lớp nhựa bóng.

Các phân tích hóa học đã xác nhận chất làm sáng bóng có nguồn gốc nhân tạo. Trong hầu hết các mẫu thí nghiệm, công thức ướp xác gồm ba phần tư mỡ động vật hoặc dầu thực vật, trộng với một ít nhựa thông, hương liệu chiết xuất, đường hoặc cao su và dầu mỏ tự nhiên. Nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng các chất này đều đã được con người xử lý từ thời cổ đại.

“Đó là một công thức tương đối phù hợp và nó cũng được áp dụng trong việc ướp xác các Pharaon cổ đại”, ông Buckley cho biết.

Theo ông, việc lựa chọn những nguyên liệu để ướp xác của người Ai Cập cổ đại có thể chỉ ngẫu nhiên. Ví dụ như nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra dấu vết của một chất hóa học chỉ có trong loài bọt biển, động vật mang ý nghĩa của sự tái sinh.

“Họ nhận ra một số nguyên liệu ướp xác có khả năng bảo vệ thi thể người chết và nếu thi thể được bảo vệ, người Ai Cập cổ đại có thể qua mặt được cái chết và sống lại”, ông Buckley nói.

Khi các ngôi mộ được phát hiện ra, các nhà khảo cổ học Anh quan tâm hơn đến các hiện vật như chậu, đồ trang sức, và những đồ vật giá trị khác. Do vậy, nhiều xác ướp cùng các mảnh vải liệm hiện đã không còn tồn tại. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho các cuộc nghiên cứu sau này.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đã đẩy lùi nguồn gốc của việc ướp xác 1.500 năm so với quan niệm của một số nhà Ai Cập học khi nghiên cứu tuổi thọ của xương người chết.

Trước đó, cuộc khai quật ngôi mộ của Hierakonpolis đã cho thấy mảnh vải liệm bọc thi thể có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 4 trước Công Nguyên.

Tuy nhiên, đây mới là cuộc nghiên cứu đầu tiên chứng minh được nguồn gốc lâu đời của lớp vải bóng và là bằng chứng quan trọng để xác minh được “bí kíp” ướp xác của người Ai Cập./.