Trong kỳ nghỉ lễ Songkran, hàng nghìn người Thái đổ ra đường, rời các thành phố lớn về quê đoàn tụ với gia đình và tình trạng lái xe khi đã uống rượu bia khá phổ biến trong dịp lễ. Phần lớn người dân di chuyển bằng xe máy nhưng chỉ ít người tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm.

Trong thời gian nghỉ lễ này, ước tính bình quân mỗi giờ có 2,3 người chết và 160 người bị thương. Chiến dịch an toàn chính phủ gọi thời gian này là “7 ngày nguy hiểm”. 

bangkok_multi_coloured_taxis_eqiz.jpg
Thái Lan sẽ phạt các lái xe say xỉn bằng cách bắt họ lao động công ích trong nhà xác. (ảnh minh họa: THAIZER.com).

Thái độ thường ngày của người dân Thái Lan đối với sự an toàn trên đường phố khiến cho Thái Lan là nước đứng thứ 2 về số người tử vong do tai nạn giao thông.

Các chuyên gia về sức khỏe và an toàn lo ngại rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Vào đầu năm 2016, chính phủ tuyên bố những tài xế lái xe trong tình trạng say rượu sẽ bị giữ xe trong suốt kỳ nghỉ và tuần trước, chính phủ đã chấp thuận một biện pháp điều trị gây sốc.

“Những người vi phạm luật sẽ phải đi lao động công ích trong nhà xác ở bệnh viện”, Đại tá Kriangdej Jantarawong, Phó giám đốc Bộ phận triển khai kế hoạch đặc biệt cho biết. “Áp dụng biện pháp này sẽ khiến những người vi phạm luật giao thông cảm thấy sợ khi lái xe bất cẩn, trong tình trạng say rượu vì khi đó họ có thể sẽ có kết cục như vậy. Nó răn đe người dân không vi phạm luật nữa”.

“Họ nên thấy những tổn thương về tinh thần và thể chất một cách thực tế”, ông Anurak Amornpetchsathaporn, trưởng khoa cấp cứu của Cục y tế Cộng đồng phát biểu vào ngày 11/4. “Trong nhà xác, họ phải tắm rửa và vận chuyển các thi thể, khi đó hy vọng rằng họ có thể cảm thấy và thấu hiểu nỗi đau, và có ý thức tham gia giao thông một cách an toàn hơn”.

Trong bài phát biểu, ông Anurak cũng cho rằng công việc phục vụ trong nhà xác sẽ có tác động mạnh tới những tài xế lơ đãng mà những hình phạt lao động công ích khác như quét dọn công viên và thư viện không làm được./.