Đó là khẳng định của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra hôm 12/3 sau khi họ phân tích mẫu đất đá do xe tự hành trên Sao Hỏa Curiosity thu thập được sau 7 tháng làm nhiệm vụ trên “Hành tinh đỏ”.

Tháng trước, xe tự hành Curiosity khoan những mũi đầu tiên xuống bề mặt Sao Hỏa và thu về mẫu đá được cho là từng ngập trong nước. Kết quả phân tích cho thấy trong đá có các hạt đất sét, sulfate và các khoáng chất khác cần thiết cho sự sống.  

da%20tren%20be%20mat%20sao%20hoa.jpg
Đá trên bề mặt Sao Hỏa (ảnh: NASA)

Số liệu cũng chỉ ra rằng khu vực khoan là Vịnh Dao Vàng (Yellowknife Bay) không bị ôxi hóa, chứng tỏ nước từng tồn tại ở đây có thể rất mặn.

Nhà khoa học hàng đầu trong dự án Curiosity, ông John Grotzinger thuộc Viện công nghệ California (CIT) cho rằng, dòng nước từng chảy qua khu vực này an toàn, thậm chí có thể uống được. Tại đây, các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu vết của những nguyên tố cần thiết để hỗ trợ cho cuộc sống, bao gồm khí hydro, oxygen và nitrogen. Họ tin rằng Sao Hỏa có một thời là môi trường ấm và ẩm ướt, trước khi trở thành một sa mạc khô cằn và băng giá như hiện nay.

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ chưa khẳng định về việc có tồn tại tổ chức hữu cơ hay vi khuẩn trên Sao Hỏa hay không, nhưng tỏ ra lạc quan rằng họ sẽ sớm giải đáp được câu hỏi này vì nhiệm vụ của Curiosity còn kéo dài 17 tháng nữa.

Dự kiến vào tháng 5, xe tự hành Curiosity sẽ tiến hành mũi khoan thứ hai xuống bề mặt Sao Hỏa để tìm kiếm dấu tích của sự sống. Khu vực khoan vẫn là mỏm đá Gale, thuộc Vịnh Dao Vàng (Yellowknife Bay) trên Sao Hỏa, nơi mà những nghiên cứu trước đó cho rằng có nhiều khả năng tồn tại sự sống nhất./.