Giáo sư David Goodall, 104 tuổi, đã có hành trình từ quê nhà ở miền Tây Australia đến Thụy Sĩ, nơi có luật hỗ trợ cho phép ông tự chấm dứt cuộc sống, bởi Australia vẫn đang cấm hình thức này.
Nhà khoa học già nhất Australia, David Goodall. Ảnh: Internet |
Trong những phút cuối đời, Goodall đã hào hứng với bữa ăn tối yên thích gồm cá, khoai tây và bánh phô mai và nghe bản Giao hưởng số 9 của Beethoven trong khi truyền chất trợ tử và theo báo cáo, ông đã qua đời ngay khi bản nhạc kết thúc.
Người thân đã ở bên Goodall khi ông trút hơi thở cuối cùng nhờ dịch truyền vào máu qua ống truyền trên cánh tay.
Nhà khoa học cũng đề xuất hiến tặng cơ thể mình cho khoa học và nếu không thể, ông đề nghị rắc tro mình ở đâu đó của Thụy Sĩ. Ông cũng đề nghị không tổ chức tang lễ, tưởng niệm vì “không có niềm tin vào thế giới bên kia”.
Để có hành trình tự "ra đi" này, ông đã kêu gọi sự hỗ trợ và nhận được 20.000 USD quyên góp từ mọi người.
Goodall không bị bệnh nan y hay mãn tính. Thị lực và vận động của ông giảm đi nhanh chóng trong những năm gần đây và ông cho rằng cuộc sống không còn thú vị như cách đây 5-10 năm nữa. Ông phải dùng xe lăn và khung đi bộ để di chuyển.
Goodall cho biết, ông đã muốn chết khi bị thu hồi bằng lái xe năm 1998 và rằng việc mất đi sự độc lập ở tuổi 84 là một cú sốc lớn trong cuộc đời của ông.
“Ở tuổi tôi, mọi việc chỉ là thức dậy ăn sáng, ngồi chờ đến ăn trưa và rồi lại chỉ ngồi. Những điều này có ý nghĩa gì nhỉ?", ông nói trong khi mặc chiếc áo có dòng chữ "Lão hóa đáng xấu hổ".
Đầu năm 2018, người giúp việc phát hiện ông bị ngã trong căn hộ riêng suốt 2 ngày không ai biết. Sau biến cố này, bác sĩ không cho phép ông tự tham gia giao thông. Kể từ đó, ông đã tự tử 3 lần không thành.
Sinh năm 1914 tại Luân Đôn, Goodall chuyển đến Australia vào năm 1948, nơi ông là giảng viên tại Đại học Melbourne. Là một chuyên gia trong các vườn cây, ông cũng đã từng làm việc tại Anh và tập hợp các bài viết học thuật tại các trường đại học Mỹ.
Trợ tử được xem là hợp pháp ở Canada, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ và một số bang của Mỹ./.
Nhà khoa học Australia 104 tuổi tới Thụy Sỹ để chết nhân đạo