Một hố đen nằm trong Dải Ngân hà của chúng ta đang "ăn ngấu nghiến" ngôi sao cạnh nó và sự kiện dữ dội này đã tạo ra những tia sáng mà các nhà thiên văn học có thể quan sát được. Hố đen này có tên là MAXI J1820+070 nằm cách chúng ta 10.000 năm ánh sáng và nặng gấp 7 lần Mặt Trời (khối lượng thấp nhất theo ước tính của một hố đen sẽ nặng gấp 5 lần Mặt Trời).

hoden_gwsx.jpg
Hình ảnh mô phỏng hố đen MAXI J1820+070 đang "ăn ngấu nghiến" một ngôi sao. Ảnh: John Paice

Một điều thú vị là các nhà khoa học đã ghi lại được ánh sáng nhấp nháy của ngôi sao này bằng cách sử dụng công nghệ quay tốc độ khung hình cao mới với tỷ lệ thu được là hơn 300 khung hình/giây. Cụ thể, dữ liệu này thu được là nhờ thiết bị HiPERCAM trên kính thiên văn Gran Telescopio Canarias và đài quan sát tia X NICER của NASA trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Các nhà nghiên cứu sau đó thậm chí đã tái hiện lại hiện tượng này trong một video sử dụng phần mềm mô phỏng hiện đại nhất.

"Đoạn video được thực hiện qua việc sử dụng các dữ liệu thực tế nhưng giảm các chuyển động xuống chỉ bằng 1/10 so với chuyển động thực. Điều này cho phép những tia sáng chuyển động nhanh nhất cũng có thể quan sát được bằng mắt thường", nhà thiên văn học John Paice đến từ Đại học Southampton và Trung tâm Thiên văn và Vật lý thiên văn giải thích.

Khi MAXI tiêu thụ ngôi sao gần nó, hố đen này sẽ phát ra không chỉ những chùm tia X mà còn cả bức xạ ánh sáng có thể nhìn thấy được.

Vật chất quanh hố đen này sáng một cách khó tin với ánh sáng thoát ra sáng gấp hàng trăm lần Mặt Trời. Điều đó cũng khiến các nhà khoa học cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy đặc điểm thống nhất của những hố đen kiểu như thế này - những hố đen giúp chúng ta giải thích về việc plasma đã được tạo ra và duy trì trong không gian như thế nào trong không gian./.