*** Do lệnh phong tỏa, Megan William đưa tin từ căn hộ của mình ở Rome. Dưới đây là bài viết của Megan đăng tải trên DW của Đức ngày 15/3.
10 ngày sau khi chính phủ Italy đóng cửa các trường học trên cả nước, 5 ngày sau khi tuyên bố phong tỏa toàn bộ đất nước, và 2 ngày sau khi Thủ tướng ký sắc lệnh đóng cửa các cửa hàng trừ cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, tôi hiểu rằng, ban công từ căn hộ của tôi ở Rome là nơi giúp tôi cảm thấy khuây khỏa nhất.
Người dân ở Rome đàn hát ngoài ban công để phá vỡ sự tĩnh lặng do lệnh phong tỏa đất nước vì dịch Covid-19. Ảnh: IPA |
Trong tòa nhà nơi tôi ở - thực ra là nhiều tòa nhà dọc con phố tôi ở - mọi người đứng ngoài ban công, ló ra các ô cửa sổ, để hát, chơi đàn, đánh trống....
Với chỉ dẫn nghiêm ngặt của chính phủ: chỉ được ra ngoài mua thực thẩm hoặc thuốc men, vì những công việc cấp thiết hoặc trong trường hợp cần tới các cơ sở y tế; với các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê hay thậm chí là các công viên hiện đã bị đóng cửa, người dân thủ đô Rome đang tìm lại niềm vui với các màn flash mob “thẳng đứng” [cùng làm những việc giống nhau trên ban công hay sân thượng mỗi nhà] đầu tiên nhằm phá vỡ sự tĩnh lặng và thể hiện sự đoàn kết, cổ động tinh thần vượt qua bối cảnh dịch bệnh.
Sống trong sự cách ly sẽ làm thay đổi đáng kể các thói quen hàng ngày đối với bất cứ nước nào. Nhưng đối với nền văn hóa như Italy, nơi mà sự tương táclà điều rất đỗi quen thuộc và phần lớn cuộc sống vẫn được dành cho các buổi tụ tập pizza, ngồi quây quần bên bàn ăn tối, tụ tập ở các quán bar, quán cà phê cùng bạn bè – thì việc giữ khoảng cách là một điều khó khăn như “kỳ công của Hercules” (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp).
Trước khi có sắc lệnh mới nhất về việc đóng cửa hầu hết các công viên, tôi còn có thể đi bộ về nhà từ Cục báo chí nước ngoài Italy (hiện giờ đã phải đóng cửa), dưới những hàng cây mộc lan ở công viên Villa Borghese. Tôi nhìn thấy 2 người bạn yêu quý của mình và vẫy tay với họ. Theo bản năng, chúng tôi sẽ chạy về phía nhau, nhưng rồi chợt dừng lại và và giơ tay lên như một cử chỉ tự vệ bản năng.
Chúng tôi bật cười, một chút bối rối. Đứng cách nhau hơn 1 mét là phải thay đổi tông giọng khi giao tiếp, mất đi sự gần gũi thân quen, và rồi chúng tôi sớm nói lời tạm biệt và ai đi đường nấy.
“Giữ khoảng cách”
Những người làm việc tại quầy thanh toán và quầy thực thẩm ở các siêu thị, trở thành các công nhân tuyến đầu và tâm trạng của họ dường như lúc nào cũng căng như dây đàn.
Một ngày nọ, người phụ nữ vốn hay thích tán gẫu ở quầy bán cá đã nghiêm giọng với một khách hàng khi anh ta, có đeo găng tay, chỉ quá gần vào loại mực ống Địa Trung Hải mà anh ta muốn mua.
"Mantenga le distanze!" – “Hãy giữ khoảng cách”, cô ấy nói. Sự thân thiện thường ngày chỉ trở lại khi anh khách hàng hỏi xin lời khuyên làm thế nào để áp chảo món mực ống với khoai tây cho thật mềm.
Ít nhất, ở Italy, chúng tôi không hết giấy vệ sinh.
Không chỉ là việc phải điều chỉnh, kiềm chề các cử chỉ của cơ thể. Không chỉ là việc phải rửa tay thường xuyên, việc vệ sinh sạch sẽ điện thoại, máy tính và tay nắm cửa bằng cồn hay chất tẩy. Không chỉ là là bất thình lình quay ngoắt đi khi có ai đó bị ho hay hắt hơi trên đường phố.
Chỉ riêng việc phải tưởng tượng thôi cũng là một thách thức: không dễ dàng gì có thể hình dung ra một kịch bản tồi tệ nhất trong ngắn hạn và khả thi nhất để quyết định điều gì là tốt nhất.
Mẹ chồng tôi, sắp 88 tuổi, gọi điện cho tôi, thẫn thờ vì lệnh phong tỏa. Bà sống một mình ở một thành phố miền trung Italy. Bà đã dự trữ thực phẩm từ 2 tuần trước, nhưng việc bị tách biệt trong căn hộ nhỏ của mình khiến bà cảm thấy “tù túng”.
Bà hỏi tôi rằng liệu bà có nên bắt tàu hỏa tới một thị trấn ở miền bắc Italy hay không, nơi có cháu gái bà – một bác sỹ nghỉ hưu – cũng đang sống một mình? Một mặt, điều đó có thể khiến bà có nguy cơ bị mắc Covid-19 nếu tới đó. Một mặt, nếu tới đó thì bà sẽ có người bầu bạn và được hỗ trợ nếu chẳng may bà bị ốm. Nếu bà chờ thêm, liệu các chuyến tàu có còn chạy trong vài ngày tới? Và khi đó, nếu bị mắc kẹt ở nhà, người phụ nữ vốn quảng giao mà giờ đây bị tách biệt và cô đơn như bà sẽ phải xoay sở thế nào để vượt qua cú sốc tâm lý?
“Mẹ đọc báo và xem tivi. Nhưng mẹ không biết hết các công nghệ mà những người trẻ các con thông thạo để có thể kết nối với nhau trên những màn hình này. Mẹ ước gì mẹ đã học sử dụng nó”, bà nói.
Một phụ nữ trẻ người Philippines, mẹ của cậu con trai 2 tuổi, mà tôi biết ở Rome, cũng gọi điện cho tôi. Sau hàng tháng chờ thị thực để đoàn tụ với chồng ở Canada, cô ấy đã mua vé 1 chiều tới Toronto. Nhưng – thật không may – chuyến bay bị hủy ngay trước ngày khởi hành và giờ thì cô ấy mắc kẹt ở đây, ở trong nhà cùng cậu con trai, có lẽ phải thêm vài tuần nữa.
Cô ấy đã dự trữ thực phẩm, nhưng khi tôi gợi ý có lẽ nên đi loanh quanh gần nhà cùng vơi cậu con trai để tránh bị “phát sốt” trong một không gian bị bó hẹp, cô ấy trả lời rằng “Tôi sợ lắm”.
William, một người di cư đến từ Nigeria, 30 tuổi - người mà tuần trước vẫn còn đứng ngoài tiệm bánh và sẵn sàng nhận làm các công việc lăt vặt, cũng sống một mình dù chỉ với vài gói gạo và spaghetti. Cách đây 1 tuần, anh ta chia sẻ căn hộ nhỏ xíu với một người đồng hương, nhưng sau đó anh ta rời đi với gia đình của mình.
“Thật khó để giải thích. Đây là một phần những gì có thể xảy ra trong cuộc sống. Tôi thấy buồn cho những phụ nữ lớn tuổi dường như đang chết dần chết mòn. Chính họ là những người thường cho tôi tiền và giúp đỡ tôi”, người đàn ông từng đánh cược mạng sống của mình để vượt Địa Trung Hải trên con thuyền nhỏ nói với tôi.
Thể hiện tình đoàn kết
Dù Italy – và giờ là phần lớn thế giới – giờ đây phải tiếp nhận sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày, việc thể hiện tình đoàn kết vẫn diễn ra.
Chiều Thứ Bảy (14/3), người dân ở Rome đã mở cửa sổ, ra ban công và sân thương để cùng nhau cổ động tinh thần các y, bác sỹ đang rủi ro – và thậm chí là hy sinh – mạng sống của mình để chăm sóc hàng nghìn người mắc bệnh [Covid-19] và phải nằm viện.
Sau “buổi tiệc ban công” chiều Thứ Bảy, một số người trên gác mái của các tòa nhà lân cận – tôi không nhìn thấy, nhưng có nghe thấy - đã chơi ghita và hát vài bài hát dân gian. Tôi và những những người hàng xóm của tôi đã ở bên khung cửa sổ, trên sân thượng, và lắng nghe tiếng đàn tiếng hát của họ.
Có nhiều người đang ốm và đang chết dần chết mòn trong khi nhiều người khác lao đao về kinh tế vì dịch bệnh. Nhưng khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy như đó là là “sự bồi thường ngọt ngào”./.