Một nhóm các nhà khoa học châu Âu đang tập trung nghiên cứu và phát triển một bộ xương robot kiểm soát bằng ý nghĩ nhằm hỗ trợ những người bị liệt có thể đi lại được. Mặc dù công nghệ này đang ở giai đoạn thai nghén, nhưng các nhà khoa học kỳ vọng trong 5 năm tới, công nghệ mới này có thể thay thế những chiếc xe lăn cho những người bị chấn thương cột sống nặng.

Bộ xương có tên là Mindwalker- bộ xương robot đầu tiên trên thế giới, được thiết kế để vận hành dưới sự chỉ huy của ý nghĩ. Quá trình phát triển Mindwalker có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia tại châu Âu.

xuong%20robot.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: ecofriend)

Phiên bản đầu tiên của bộ xương này là nhằm giúp cho những người bị liệt có thể đứng thẳng, di chuyển bằng chân dưới sự điều khiển của một máy tính.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại mong muốn thiết kế này sẽ có một bước tiến xa hơn nữa, đó là điều khiển bộ xương robot bằng chính bộ não của con người. Các nhà khoa học sẽ sử dụng một chiếc mũ đặc biệt, đo hoạt động điện từ trên da đầu con người, sau đó sẽ áp dụng một thuật toán giúp dịch các hoạt động điện từ này thành chỉ thị để ra lệnh cho bộ xương máy di chuyển.

Ông Guy Cheron thuộc trường Đại học Brussels- người đứng đầu nhóm nghiên cứu thử nghiệm để cho phép vận hành bộ xương robot thông qua các tín hiệu từ não bộ người dùng cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng một chiếc mũ đo hoạt động điện từ từ bề mặt của da đầu. Thông qua tính toán, chúng tôi có thể sẽ phát hiện ra những vùng có liên quan tới kiểm soát việc đi lại. Đây là bước đầu tiên. Tiếp đến, chúng tôi sẽ huấn luyện các bệnh nhân để họ có thể kiểm soát các tín hiệu từ não bộ của mình”.

Ngoài bộ xương máy Mindwalker, các nhà khoa khọc cũng đang nghiên cứu và hoàn thiện cặp kính có thể đọc được sự di chuyển của mắt người đeo để kiểm soát công cụ này./.