Công ty Carmat của Pháp vừa cho biết, một quả tim nhân tạo tự vận hành do công ty này sáng chế đã được cấy ghép thành công cho một bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối. Đây là ca ghép tim nhân tạo đầu tiên trên thế giới, tạo ra bước đột phá quan trọng trong nghành y học và mang hy vọng cho nhiều bệnh nhân trước tình trạng thiếu tạng ghép hiện nay.
Ca cấy ghép tim kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ do các bác sỹ thuộc Bệnh viện châu Âu George Pompidou ở Paris thực hiện vào ngày 18/12 vừa qua.
Giáo sư Christian Latremouille – người dẫn đầu ê-kíp phẫu thuật cho biết: “Sức khỏe của bệnh nhân đang tiến triển rất tốt. Mỗi ngày anh ấy đều có những dấu hiện tốt hơn. Hiện nay, bệnh nhân rất tỉnh táo và có thể trò chuyện được.”
Trong nhiều thập kỷ qua, bệnh nhân thường phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ tim tạm thời để chờ đến khi được cấy ghép. Tuy nhiên, trái tim nhân tạo của công ty Carmat được thiết kế để thay thế trái tim thật trong thời gian dài. Nó mô phỏng toàn bộ hoạt động của trái tim thật nhờ vào các cảm biến và vật liệu sinh học.
Giáo sư Christian Latremouille giải thích thêm, vật liệu sinh học sẽ giúp giảm thiểu sự đông máu, ngoài ra nhờ cơ chế vi tính hóa, trái tim sẽ tự thích nghi với cơ thể bệnh nhân. Nó sẽ có các phản ứng phù hợp với sự di chuyển của bệnh nhân ví dụ như đứng hoặc ngồi. Sau khi hồi phục, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường.
Theo đánh giá của giới y học, tim nhân tạo của công ty Carmat sẽ giúp giảm thiểu các trường hợp tử vong trong khi chờ phẫu thuật hoặc giảm các tác dụng phụ liên quan đến cấy ghép. Ước tính sẽ có tới 10.000 bệnh nhân ở Pháp được hưởng lợi từ phương pháp điều trị này. Bác sỹ Alain Carpentier, người dẫn đầu nhóm sáng chế khẳng định rằng, đây là một bước đột phá lớn. Nó mở ra những cơ hội mới cho việc thay thế hoàn toàn trái tim thật của con người bằng một trái tim nhân tạo.
Trước đó, ngày 24/9, Cục An toàn dược phẩm quốc gia Pháp đã cho phép Công ty Carmat thử nghiệm ghép tim nhân tạo cho bốn bệnh nhân thuộc ba cơ sở bệnh viện ở Pháp. Hồi đầu năm nay, công ty cũng được sự chấp thuận để tiến hành các cấy ghép tim nhân tạo ở Bỉ, Ba Lan, Slovenia và Saudi Arabia. Các bệnh nhân được lựa chọn là những người bị suy tim giai đoạn cuối. Sau khi tiến hành cấy ghép tim, các bác sỹ sẽ theo dõi để đo lường tính hiệu quả của tim ghép trong vòng một tháng.
Quả tim nhân tạo của công ty Carmat nặng 900gr có giá từ 140.000 - 180.000 euro. Về sinh học, tim ghép tương thích với 86% nam giới và 20% nữ giới. Công ty Carmat dự kiến sẽ tiến hành chế tạo tim nhân tạo nhỏ hơn để phù hợp với thể hình của nữ giới./.