Dự định được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, máy nướng bánh vũ trụ “Bake in Space” sẽ thử nghiệm một loại bột nhào đặc biệt trong lò không trọng lực để nướng những chiếc bánh mì thơm ngon, nóng hổi ngay trong không gian.
Công nghệ của Bake in Space sẽ chấm dứt hơn 50 năm "cấm vận" bánh mì trên vũ trụ. Nguồn Video: New Scientist/Youtube.
“Nướng bánh ở nơi chưa ai từng nướng bánh”, đó là khẩu hiệu mà đội ngũ chế tạo Bake in Space tự đặt ra cho bản thân. “Bake in Space tìm cách giải quyết những thách thức về mặt khoa học và kỹ thuật liên quan đến việc sản xuất bánh mì tươi trên vũ trụ.”
Được dẫn dắt bởi một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư người Đức, trong đó có cựu nữ phi hành gia Gerhard Thiele, Bake in Space không chỉ tập trung vào việc làm phong phú thực đơn cho các nhà du hành vũ trụ mà còn đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng du hành trong tương lai của nhiều người hơn.
“Khi du lịch lên vũ trụ phát triển và mọi người dành nhiều thời gian hơn trên đó, chúng ta cần phải sản xuất được bánh mì từ những công đoạn đầu tiên”, Sebastian Marcu, Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập của Bake in Space chia sẻ với tạp chí New Scientist.
Hình ảnh chụp cuối năm 2016 này là một chiếc bánh kẹp phô mai trên vũ trụ. Hiện chúng được làm bằng bánh bột ngô Tortilla thay vì bánh mì như trên Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Bake in Space trước tiên sẽ thử sản xuất loại bánh mì cuộn điển hình của Đức bằng lò đối lưu năng lượng thấp (hoặc chân không), sử dụng bột nhào đặc biệt tạo ra thứ bánh mềm, không có vụn bánh.
Nướng bánh trong không gian khó cỡ nào?
Vụn bánh trong không gian là vật thể cực kỳ đáng quan ngại bởi ở môi trường không trọng lực, các hạt nhỏ như vụn bánh có thể len lỏi vào hệ thống điện và bộ lọc gió. Chúng cũng gây nguy hiểm cho các phi hành gia khi họ hít phải.
Giải pháp trước đây của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) – sau khi phi hành đoàn tàu Mercury và Gemini đưa những chiếc bánh kẹp sandwich vào không gian – là cắt bánh mì của họ thành từng mẩu nhỏ trước rồi sau đó bọc gelatin bên ngoài để không một hạt vụn bánh nào lọt ra ngoài.
Trong một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, thành viên phi hành đoàn STS-51D trên tàu Discovery thưởng thức bánh mì hồi tháng 4/1984. Ảnh: NASA. |
Về sau, trong thời kỳ sử dụng tàu con thoi đi đi lại lại giữa Trái Đất và ISS, tortilla [một loại bánh mì dạng dẹt được làm từ bột bắp hoặc bột mỳ - ND] trở thành lựa chọn thay thế.
“Ở trên này chúng tôi không có bánh mì như các bạn ở dưới Trái Đất nhưng chúng tôi có tortilla”, phi hành gia Shane Kimbrough chia sẻ trong một đoạn băng ghi hình từ ISS đầu năm nay.
Thách thức của việc nướng bánh mì tươi trên vũ trụ không chỉ ở việc loại bỏ hoàn toàn vụn bánh mà còn ở chỗ những loại bánh mì cứng hoặc dai, dù có ưu điểm không tạo vụn bánh, lại không hợp khẩu vị với hầu hết các phi hành gia.
Món ăn cho tâm hồn
“Bên cạnh việc là một nguồn dinh dưỡng, mùi của những chiếc bánh mì mới ra lò gợi lại những ký ức hạnh phúc và là một yếu tố tâm lý quan trọng”, website của dự án Bake in Space cho biết. “Đó là một biểu tượng cho những khoảnh khắc nghỉ ngơi và thân thương”.
Cùng với việc nướng bánh mì trên vũ trụ, các nhà khoa học đang phát triển những dự án ẩm thực khác trong không gian như Veggie, một phòng trồng rau tươi trên IS, hay máy pha cà phê Italia không trọng lực ISSPresso đã được thử nghiệm trên quỹ đạo từ năm 2015.
Máy pha cà phê Italia ISSPresso trên trạm vũ trụ. ẢNh: NASA. |
Ngoài việc đưa bánh mì vào vũ trụ, dự án Bake in Space cũng có tham vọng thử nghiệm việc tạo ra bột chua trong quỹ đạo, một bước đệm cho việc đưa những chiếc bánh mì được làm hoàn toàn trong vũ trụ về Trái Đất để bán./.Nhìn lại chuyến du hành vũ trụ đầu tiên của nhân loại