Các nhà khoa học Ba Lan mới đây đã khai quật thành công khối thiên thạch lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực Đông Âu. Khối thiên thạch nặng khoảng 260kg và có đường kính 2m, được tìm thấy tại Khu bảo tồn Thiên thạch Morasko, gần thành phố Poznan, phía Tây Ba Lan. Theo các nhà khoa học, khối thiên thạch này đã rơi xuống trái đất khoảng 5.000 năm trước đây.

thien-thach-o-ba-lan.jpg
Các nhà báo chụp ảnh khối thiên thạch có một không hai ở Đông Âu (Ảnh: AFP)

Bằng thiết bị dò tìm điện tử các vật thể dị thường trên bề mặt Trái đất, các nhà khoa học Ba Lan đã phát hiện khối thiên thạch nằm sâu khoảng 2,5m dưới lòng đất hồi tháng 10 vừa qua. Các nhà khoa học tại trường Đại học Địa chất Poznan và các nhà nghiên cứu thiên thạch đã phối hợp khai quật thành công khối thiên thạch này. Khối thiên thạch đã được đưa về Viện Nghiên cứu Thiên thạch tại trường Đại học Địa chất Poznan. Sau khi loại bỏ khoảng 40kg đất đá bao quanh, các nhà khoa học đã thấy màu đen sậm - màu sắc thực của khối thiên thạch.

Theo các kết quả nghiên cứu, thành phần chính của khối thiên thạch chủ yếu là sắt và có những dấu hiệu cho thấy có cả niken. Giáo sư Andrzej Muszynski, thuộc trường Đại học Địa chất Poznan cho biết: “Thiên thạch rơi vào bầu khí quyển trái đất mỗi ngày. Tuy nhiên, phần lớn những thiên thạch này đã bị đốt cháy trước khi xuống đến mặt đất. Khối thiên thạch mới này có cấu trúc giống với lõi trái đất. Trên lý thuyết, chúng tôi biết rằng lõi trái đất có sắt và bây giờ chúng tôi có thể kiểm chứng qua mẫu thiên thạch này”.

Các nhà khoa học khẳng định họ thật may mắn với phát hiện này. Khối thiên thạch mới phát hiện có giá tới 400.000 USD trên thị trường, nhưng với các nhà khoa học nó là vô giá và là “bằng chứng sống” để tìm hiểu sự hình thành của lõi trái đất, thậm chí mở ra cánh cửa để khám phá sự hình thành của cả vũ trụ.

Nằm ở phía Bắc tỉnh Poznan, Khu bảo tồn Thiên thạch Morasko có 7 hố thiên thạch, trong đó, hố lớn nhất có đường kính gần 100m và sâu 11m./.