Tại cuộc hội thảo trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 hôm 29/9, chuyên gia về vaccine của Đại học Quốc gia Australia, Tiến sỹ Ines Atmosukarto cho rằng việc tiêm liều vaccine tăng cường không thể trở thành một chương trình rộng rãi, trừ khi phần lớn số dân Indonesia đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.

Chuyên gia Atmosukarto lưu ý về sự khác biệt độ phủ vaccine tại các khu vực, trong khi các thành phố lớn như Thủ đô Jakarta có tốc độ tiêm nhanh thì những khu vực ngoài đảo Java, tốc độ tiêm còn chậm. Một số chuyên gia dịch tễ học khác cũng nhất trí rằng chính phủ Indonesia cần đảm bảo tiêm đủ liều vaccine cho hơn 70% dân số, trước khi nghĩ tới việc tiêm liều tăng cường.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Indonesia, đến nay có hơn 50 triệu người Indonesia đã tiêm đủ 2 liều vaccine song mới đạt 24% so với mục tiêu đề ra là tiêm cho khoảng 208 triệu dân. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi được tiêm 2 liều vaccine cũng mới đạt 19.9% trong tổng số mục tiêu tiêm cho hơn 21 triệu người.

Quyền Giám đốc về Giám sát và cách ly y tế Indonesia, ông Prima Yosephine, cho biết chương trình tiêm tăng cường miễn phí hoặc có trả phí vẫn chưa là chính sách chính thức của chính phủ. Hiện Indonesia mới tiêm liều vaccine thứ ba cho các nhân viên y tế.

Trước đó, hồi tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, chính phủ nước này muốn thực hiện chương trình tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 tăng cường có trả phí cho người dân có nhu cầu vào đầu năm 2022. Theo đó, người dân có thể chọn loại vaccine mà họ muốn và trả khoảng 100.000 rupiah (khoảng 150.000 đồng Việt Nam) cho mỗi liều vaccine tăng cường./.