Bầu không khí căng thẳng Nga-Ukraine được hy vọng sẽ hạ nhiệt trên bàn thảo luận giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Poroshenko, dự kiến diễn ra ngày 17/10 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu tại Milan, Italy. Ông Poroshenko bày tỏ lạc quan về cuộc gặp này, trong bối cảnh chiến sự căng thẳng chưa thể đi đến hồi kết tại khu vực Đông Nam nước này.        

putin_poroshenko_tr_ctxd_deab.jpgTổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Belarus hồi tháng 8 (Ảnh AFP)

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga và Ukraine kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine được ký kết hồi đầu tháng 9. Ông Poroshenko trước đó cho biết, cuộc hội đàm về khủng hoảng Ukraine sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Anh David Cameron, cùng nhiều lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Ông Poroshenko nói rằng sẽ không có gì dễ dàng, nhưng ông rất lạc quan. Các bên sẽ tập trung thảo luận về biện pháp giải tỏa căng thẳng về các cuộc giao tranh tiếp diễn tại miền Đông Ukraine bất chấp thỏa thuận ngừng bắn.

Điện Kremlin cũng đã có thông báo xác nhận các cuộc gặp của Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan.

Trong một phát biểu ngày 15/10, Thủ tướng Đức Merkel cho biết kế hoạch của bà trong các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Putin ở Milan sẽ bao gồm một loạt vấn đề liên quan đến khủng hoảng Ukraine và cuộc tranh cãi khí đốt.

Bà Merkel nói: “Chúng tôi có kế hoạch tổ chức các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga. Tôi kỳ vọng vào một cuộc thảo luận cởi mở. Trong đó, tiến trình thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Min sẽ là một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự. Thỏa thuận này đã không được tuân thủ như chúng ta kỳ vọng và chúng tôi sẽ thảo luận cách thức đưa thỏa thuận này vào thực tế”

Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine tại Milan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông Lavrov khẳng định thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk, Belarus chính là điều kiện nền tảng để Ukraine giải quyết cuộc khủng hoảng, chứ không phải vai trò của Nga hay Mỹ trong vấn đề này.

Ông Lavrov: “Nga và Mỹ không phải là đại diện cho các bên tham chiến tại Ukraine. Tôi đã từng nói rằng, giải quyết khủng hoảng Ukraine chỉ có thể thông qua đàm phán trực tiếp và tiến tới một thỏa thuận giữa các bên tham gia xung đột”.

Sau hơn 1 tháng được ký kết, các cuộc giao tranh tiếp diễn ác liệt tại miền Đông Ukraine đã biến thỏa thuận ngừng bắn chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Vốn được kỳ vọng là mở ra cánh cửa hòa bình tại Ukraine, song thỏa thuận ngừng bắn đã liên tục bị phá vỡ.

Dấu hiệu của bạo lực lan tới thủ đô Kiev đã đóng lại những hy vọng về việc Ukraine sớm chấm dứt khủng hoảng. Trong khi đó, mối quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng không nằm ngoài ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa vấn đề khí đốt vào nội dung thảo luận tại Milan là điều dễ hiểu.

Vì trong bối cảnh Mỹ và phương Tây tăng cường trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, thì Nga cũng không ngần ngại đáp trả. Những cảnh báo đã được đưa ra về tình trạng thiếu năng lượng tồi tệ trong mùa Đông đang đến gần nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt. Khủng hoảng khí đốt đã từng xảy ra và nó khiến châu Âu không khỏi lo ngại nếu kịch bản này lặp lại.

Tuy nhiên có thể thấy, các bên đều có lợi ích đan xen và sẽ cùng thiệt hại nếu không giải quyết được vấn đề Ukraine. Việc Tổng thống Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán là cơ hội tốt cho tất các bên liên quan thúc đẩy vai trò dù ít hay nhiều để chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Với Nga, đàm phán vẫn là giải pháp duy nhất để hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng hiện nay./.