Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng Anh Theresa May luôn nhấn mạnh sẽ thực hiện tiến trình Brexit “cứng”, có nghĩa là không gia nhập thị trường chung và mạnh tay cắt giảm lượng người di cư.

Tuy nhiên, lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn ở trong thị trường chung (tức Brexit mềm) một lần nữa được đặt ra trên bàn đàm phán sau khi kết quả cuộc bầu cử Quốc hội không được như dự tính của bà May.

brexit_bnyd.jpg
Ảnh minh họa.

Theo tờ Daily Telegraph, hôm nay (13/6) các Bộ trưởng cấp cao thuộc Chính phủ bảo thủ của Anh cùng các thành viên Công đảng, đảng đối lập chính của nước này, đã tổ chức các cuộc hội đàm kín nhằm thảo luận về tình huống Brexit "mềm".

Theo báo trên, các cuộc thảo luận có sự tham gia của một số thành viên cấp cao nhất trong Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May diễn ra với mục đích buộc bà May phải có những nhượng bộ về vấn đề nhập cư, liên minh hải quan châu Âu và thị trường đơn lẻ.

Các nghị sỹ tham gia các cuộc hội đàm kín nói trên được cho là những người ủng hộ Anh ở lại EU và từng thiết lập những liên minh để cùng vận động trong quá trình chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân.

Tờ báo cũng cho biết bà May biết về cuộc thảo luận này nhưng không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn.

Kể từ khi lên nắm quyền sau kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, Thủ tướng May đã ủng hộ một Brexit "cứng," trong đó Anh sẽ là một thị trường đơn lẻ và cấm những người nhập cư từ Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử đã hoàn toàn đi ngược lại với mục đích của bà May khi tổ chức bầu cử sớm. Chính vì thế, khi buộc phải tìm kiếm liên minh với đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ai len (DUP), bà May sẽ phải nhượng bộ phần nào trong việc đưa ra quyết định về tiến trình Brexit.

Điều này có thể dự báo một tiến trình Brexit “mềm”, tức ưu tiên đàm phán để Anh được quyền tiếp cận tự do vào thị trường Liên minh châu Âu và hướng tới có thỏa thuận thương mại với EU một cách hợp lý nhất.  

Lãnh đạo phe Bảo thủ Scotland Ruth Davidson hôm qua (12/6) tuyên bố Chính phủ Anh cần coi kinh tế là trọng tâm của chiến lược Brexit, thay vì chỉ tập trung vào giảm nhập cư. Bà nhận định rằng, định dạng của Brexit sẽ khác so với trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội.

“Tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu khi chúng ta rời EU là đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ có lợi và chúng ta ưu tiên cho thương mại tự do. Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta có sự đồng thuận về điều đó. Đây cũng là điều tôi đã từng nói sau cuộc Tổng tuyển cử”, bà Ruth cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng đại diện cho Scotland trong chính phủ, ông David Mundell cho biết thỏa thuận cuối cùng về Brexit cần phải được toàn bộ các đảng phái trong quốc hội Anh ủng hộ.

Với những gì đang diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tại Anh thì quốc tế và người dân nước này đang  chờ đợi xem liệu đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục phiên bản Brexit “cứng”, tức là một thỏa thuận thương mại tự do với EU nằm ngoài thị trường chung và không có việc đi lại tự do cho người lao động? hay đảng này sẽ phải xem xét một Brexit “mềm hơn”, có thể vẫn nằm trong thị trường chung để được các đảng khác ủng hộ.

Ngoài ra, còn một trường hợp cũng phải tính đến đó là Brexit hỗn loạn với việc bà May thuyết phục người dân Anh "không một thỏa thuận nào tốt hơn một thỏa thuận tồi".

Trong khi đó, EU đang cứng rắn, đoàn kết với một chiến lược đàm phán rõ ràng và đặc biệt không muốn Brexit trở thành một tiền lệ. Hai quan điểm cứng rắn đối đầu sẽ rất dễ xảy ra một khả năng, đó là Brexit không thỏa thuận mà rơi vào trạng thái hỗn loạn./.