Căng thẳng không chỉ nảy sinh giữa các nước đồng ý và từ chối tiếp nhận người nhập cư như Pháp với Italy mà ngay cả giữa những nước không đồng ý tiếp nhận người nhập cư như Italy và Malta cũng xuất hiện những tranh cãi không dễ gì giải quyết.
Ảnh minh họa: AP
Với quan điểm ủng hộ chính sách phân bổ người nhập cư của Liên minh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 23/6 cho biết, ông ủng hộ việc trừng phạt tài chính những nước thành viên Liên minh châu Âu từ chối tiếp nhận người nhập cư.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở thủ đô Paris, Pháp, Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Bản thân tôi ủng hộ các cơ chế kiểu này. Chúng ta không thể chấp nhận việc các quốc gia có lợi từ sự gắn kết của Liên minh châu Âu song lại ích kỷ khi đối mặt với vấn đề nhập cư”.
Tuyên bố của Tổng thống Pháp được cho là sẽ gây thêm chia rẽ giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu nhất là giữa Pháp và Italy vốn đã bất đồng liên quan đến chính sách tiếp nhận người nhập cư trong suốt nhiều ngày qua.
Trái với quan điểm của Pháp, Chính phủ mới ở Italy lại không ít lần tuyên bố, nước này đã phải một mình giải quyết vấn đề người nhập cư, đồng thời kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu khác phải tăng cường tiếp nhận người nhập cư từ châu Phi.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio còn nói rằng, “Italy đang phải đối mặt với tình trạng báo động về người nhập cư, một phần là do Pháp tiếp tục đẩy lui dòng người nhập cư tại biên giới.
Không chỉ giữa Pháp với Italy mới nảy sinh mâu thuẫn, ngay giữa Italy và Malta – quốc gia cũng từng từ chối tiếp nhận hơn 600 người nhập cư được cứu sống trên tàu cứu hộ Aquarius mới đây cũng nảy sinh những bất đồng.
Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli đã kêu gọi Malta tiếp nhận tàu chở 200 người nhập cư vừa được giải cứu trên biển Địa Trung Hải. Theo quan điểm của ông Danilo Toninelli, các vùng lãnh hải của Malta gần hơn Italy và cũng an toàn hơn. Do vậy, Malta nên tăng cường tiếp nhận người nhập cư.
Phát biểu trước báo giới ông Danilo Toninelli nhấn mạnh: “Malta có cảng biển gần hơn và cũng an toàn hơn. Khi cơ quan cứu hộ lên tiếng yêu cầu Malta hỗ trợ, Malta không được từ chối”.
Đáp lại lời kêu gọi của Italy, giới chức Malta đã nói rằng, Malta là quốc gia có chủ quyền và không ai có thể bắt Malta phải làm cái này, không làm cái kia.
Trước đó, trong vụ từ chối tiếp nhận hơn 600 người nhập cư trên tàu cứu hộ Aquarius, Italy cũng từng chỉ trích hành động không tiếp nhập của Malta là vô lý và không nhân văn trong khi Malta cho rằng, việc tiếp nhận số người nhập cư trên là trách nhiệm và nằm trong quyền tài phán của Italy. Malta đã hỗ trợ nhận đạo cho những người trên tàu.
Căng thẳng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu liên quan đến chính sách tiếp nhận người nhập cư dự kiến sẽ làm nóng các cuộc họp khẩn ở Bỉ để dự trù nội dung Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến vào ngày 28-29/6 tới.
Theo thông báo, hội nghị thượng đỉnh tới đây sẽ tập trung thảo luận các biện pháp đẩy nhanh quy trình đưa người tị nạn trở về quốc gia có trách nhiệm xử lý các đơn xin tị nạn.
Vấn đề này vốn đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia tuyến đầu của Liên minh châu Âu như Italy và Hy Lạp bởi theo nguyên tắc Dublin, những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân tới sẽ phải chịu trách nhiệm xét duyệt đơn tị nạn./.