Trong một tuyên bố, Phó Thủ tướng Tây Ban Soraya Saenz de Santamaria nói: “Nếu như chính quyền vùng Catalonia mong muốn điều mà họ đã tiến hành trong cuộc thăm dò dư luận về việc độc lập cho Catalonia thì sẽ rất khó đạt được một thỏa thuận với Chính phủ. Chẳng có chính phủ hay đảng phái nào cho phép bỏ phiếu về thỏa thuận li khai.”

anti_independentist_hold_catalan_spanish_338_ewiw.jpgNgười dân Catalonia biểu tình đòi ly khai. (Ảnh: EPA)

Trước đó, cùng ngày, ông Artur Mas đã viết thư đến Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy yêu cầu khởi động một cuộc đối thoại về việc làm như thế nào để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực này. Đề xuất của người đứng đầu chính quyền vùng Catalonia đưa ra sau khi gần 2 triệu người tham gia cuộc thăm dò dư luận do chính quyền khu vực này tổ chức hôm 9/11 vừa qua đã bỏ phiếu đồng ý Catalonia tách ra thành một quốc gia độc lập.

Theo kế hoạch ban đầu, đáng lẽ chính quyền vùng Catalonia sẽ tổ chức một cuộc thăm dò ý dân chính thức về nguyện vọng độc lập của người dân xứ này. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính phủ Tây Ban Nha và đặc biệt là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha yêu cầu phải đình chỉ kế hoạch này nên người đứng đầu vùng Catalonia đã buộc phải chuyển cuộc trưng cầu ý dân thành một cuộc thăm dò không mang tính bắt buộc.

Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất ở Tây Ban Nha, tạo ra 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng. Tuy nhiên, khu vực này cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài suốt 5 năm qua ở “xứ sở Bò tót” và từ lâu đã có ý định tách ra thành một nhà nước độc lập. Trước ý định này của người dân vùng Catalonia, chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ bảo vệ sự thống nhất đất nước trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng./.