Triển vọng về một nền hòa bình lâu dài cho Syria dường như vẫn còn là một viễn cảnh xa vời khi nước này vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn cả về mặt quân sự lẫn chính trị.

palmyra3_lbem.jpg
Dù thành phố cổ Palmyra đã được giải phóng nhưng con đường tiến tới hòa bình ở Syria vẫn còn rất xa. (Ảnh: AFP)

Mặc dù vừa giành chiến thắng vang dội trước Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi tái chiếm được thành phố cổ Palmyra , nhưng lực lượng Chính phủ Syria hiện vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi có thể loại bỏ được tất cả các nhóm khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria.

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc giải phóng thành phố cổ Palmyra, xem đây là một chiến thắng quan trọng, là minh chứng cho thấy Quân đội Chính phủ và các lực lượng đồng minh đã thành công trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Tái chiếm Palmyra mở đường cho các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria có cứ điểm chiến lược ở miền Trung nước này để mở rộng quyền kiểm soát về phía biên giới Iraq. Dường như Tổng thống Assad muốn thông qua chiến thắng mang tính biểu tượng này để một lần nữa chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy được thực lực và thế trận thực tế trên chiến trường của Quân đội Syria.

Tuy nhiên, có nhiều hoài nghi rằng, chiến thắng tại Palmyra chỉ mang nhiều tính biểu tượng và ít có khả năng rút ngắn được con đường tới hòa bình. Bởi thực tế, nền chính trị tại Syria là sự tồn tại của những mâu thuẫn phe phái cũng như các hệ tư tưởng cả bên trong và bên ngoài nước này.

Mặc dù đã trải qua 3 vòng đàm phán hòa bình quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ nhưng đến nay, những bất đồng giữa các phe phái trong nước, bất đồng giữa quan điểm của các nước lớn đang là một trở ngại lớn giúp nước này có một nền hòa bình thực sự. Một chế độ mới hay tương lai của Tổng thống Assad vẫn còn đang mơ hồ.

Vòng đàm phán hòa bình mới nhất về Syria vừa diễn ra tại Geneva đã kết thúc hôm 24/3 vừa qua với việc thông qua một văn kiện 12 điểm chung được nhất trí bởi các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết, sẽ đặt mục tiêu khởi động lại các cuộc hòa đàm về Syria vào ngày 9/4 tới.

Trọng tâm của vòng đàm phán trong tháng 4 tới sẽ là về vấn đề chuyển tiếp chính trị- một trong những rào cản chính hiện nay giữa các bên đàm phán.

Ông  Mohammad Alomari, một nhà phân tích chính trị Syria nhấn mạnh: “Vẫn còn nhiều trở ngại khác, trong đó phải kể đến danh sách các thành viên của ủy ban lâm thời hay việc thành lập chính phủ tương lai”.

Giới phân tích còn cho rằng, sự tham gia của nhiều bên như Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Syria, xung đột nội bộ giữa các phe phái, và hơn hết là cuộc chiến cam go chống khủng bố, càng khiến cho triển vọng sớm đạt được nền hòa bình lâu bền và ổn định cho đất nước Syria càng trở nên lu mờ hơn. 

Ông Tarek Alabed, một nhà phân tích chính trị tại Damascus cho biết: “Chúng ta còn một chặng đường dài để tiêu diệt được tất cả các tổ chức khủng bố trong đó bao gồm cả IS, bởi vì chỉ khi nào chúng ta đẩy lùi các phần tử khủng bố khỏi Syria, chúng ta mới có thể có được nền hòa bình thực sự tại đất nước này”./.