Ngày 17/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra đề nghị trong một tuyên bố trên Twitter. Các lựa chọn đối với châu Âu là rất đơn giản: “nhận lại” các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có xuất thân từ châu Âu đang bị giam giữ ở Syria, hoặc Mỹ sẽ buộc phải phóng thích những tay súng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các nước châu Âu "nhận lại" các tay súng IS có xuất thân từ châu Âu. Ảnh minh họa: Reuters |
Một số nước châu Âu đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Tổng thống Trump.
“Chúng ta đang nói về những người nguy hiểm nhất thế giới. Chúng ta không nên nhận những người đó lại”, một người phát ngôn của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói. Quan chức này mô tả lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ là hấp tấp và tình hình ở Syria vẫn chưa ổn định.
Đức thì khéo léo hơn trong việc từ chối đề nghị của Tổng thống Trump. Giới chức Đức giải thích rằng: về lý thuyết, những công dân Đức dù đã chiến đấu trong hàng ngũ IS vẫn có quyền trở lại quê hương. Tuy nhiên, có những trở ngại pháp lý nhất định ngăn cản việc họ trở về.
“Về nguyên tắc, tất cả các công dân Đức và những người nghi ngờ đã chiến đấu trong hàng ngũ IS đều có quyền trở lại”, một người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức nói. Tuy nhiên, Đức cần phải tiếp xúc lãnh sự với các cá nhân như vậy trước khi quyết định có nhận lại họ hay không.
Chính phủ Bỉ cũng đáp trả lại gay gắt, khi Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens cáo buộc Tổng thống Trump đã tấn công sau lưng các đồng minh châu Âu bằng yêu cầu của ông.
“Nếu là các quốc gia bằng hữu, thì nên đưa ra yêu cầu này thông qua các kênh ngoại giao thường xuyên hơn là một dòng tweet lúc nửa đêm”, ông Geens nói trên truyền hình địa phương ngày 17/2. Ông cũng thúc giục các nước châu Âu đưa ra một giải pháp thống nhất cho về vấn đề này.
Không phản ứng trực tiếp đối với tuyên bố của ông Trump, Ngoại trưởng Pháp Laurent Nunez nói rằng, Pháp tin các tay súng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn sẽ không để những tay súng thánh chiến người Pháp được đi lại tự do.
“Người Kurd đang giữ họ và chúng tôi có tin tưởng vào khả năng giam giữ các tay súng này của người Kurd”, ông Nuñez nói với đài BFMTV ngày 18/2. Tuy nhiên, ông có vẻ như chấp nhận khả năng cuối cùng Pháp cũng vẫn phải đối phó với việc các tay súng sẽ trở về nước.
“Dù sao, nếu những cá nhân này trở lại lãnh thổ Pháp, họ sẽ bị truy tố, sẽ phải ra tòa và bị giam giữ”. Ông nói.
Nội bộ nước Anh lại có 2 luồng ý kiến về việc nhận lại các công dân Anh đã từng gia nhập IS ở Syria.
Trong một bài báo trên Sunday Times, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid bác bỏ việc tiếp nhận lại các tay súng. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Jeremy Wright có quan điểm “mềm mỏng” hơn khi nói rằng, có thể ít nhất là ở một chừng mực nào đó, chính phủ Anh có trách nhiệm phải nhận lại họ.
Đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald đưa ra trong bối cảnh vụ việc của Shamima Begum đang gây nhiều tranh cãi ở Anh. Begum, bỏ trốn khỏi Anh năm 15 tuổi, hiện 19 tuổi và vừa sinh đứa con thứ 3 ở Syria hôm 17/2. Trong khi nhấn mạnh việc muốn được trở về Anh, Begum lại nói rằng cô không hối hận vì được sống theo luật Sharria và kết hôn với người chồng của mình là một tay súng IS ở Syria./.
Mỹ kêu gọi châu Âu tiếp nhận, xét xử các phần tử IS