Vấn đề gian lận thuế một lần nữa trở thành tiêu điểm tranh cãi tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu tại Strasburg, Pháp vào ngày 24/11.
Mặc dù giới nghị sĩ châu Âu đã không thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker liên quan việc ông hỗ trợ các công tý lớn trốn thuế trong thời gian ông cầm quyền tại Luxemburg, nhưng những cuộc tranh cãi này cho thấy một sự chia rẽ trong lòng châu Âu.
Được sự ủng hộ của các nhóm chống Liên minh châu Âu (EU), trong đó có đảng Độc lập của Liên hiệp Vương quốc Anh và đảng Mặt trận Dân tộc của Pháp, giới nghị sĩ bài châu Âu kêu gọi ông Juncker từ chức sau chưa đầy 1 tháng lãnh đạo. Họ cho rằng ông Juncker cần phải chịu trách nhiệm trước một bê bối liên quan đến thuế doanh nghiệp tại Luxemburg trong thời gian ông này giữ chức Thủ tướng quốc gia Tây Âu này.
Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc của Pháp nói: "Ông Jean-Claude Juncker phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã đưa ra những hệ thống trốn thuế quy mô lớn. Sẽ không hợp lý khi tin rằng, ông sẽ làm việc chăm chỉ và chân thành để đẩy lùi những việc do mình tạo ra”.
Đáp trả những cáo buộc trên, vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho biết, ông muốn Ủy ban phụ trách vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu điều tra vụ việc một cách độc lập và ông sẽ không can thiệp vào hoạt động của ủy ban này.
Ông Juncker cũng cáo buộc lại rằng, các nghị sỹ châu Âu đang có những động cơ chính trị: "Tôi có ấn tượng rằng, có một động cơ chính trị đằng sau những cáo buộc này. Tôi cho rằng nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ cảm thấy rất buồn cười khi cho rằng có những cáo buộc họ đã móc ngoặc để trốn thuế”.
Những nỗ lực của các nhóm chống lại tư tưởng hội nhập châu Âu đã không thành công khi các đảng cánh hữu lẫn cánh tả lớn, chiếm hơn 1/3 số ghế tại Nghị viện châu Âu đã bác đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Juncker và gọi các đảng chống Liên minh châu Âu là có tư tưởng " bài ngoại và thành kiến".
Theo cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, người đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ và Tự do cho châu Âu (ALDE) tại Liên minh châu Âu, những động thái nhằm vào ông Juncker là một trò chơi chính trị của các nhóm bài châu Âu.
Luxemburg hiện là tâm điểm chú ý của một chương trình miễn giảm thuế gây nhiều tranh cãi cho nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ nổi tiếng thế giới.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra quốc gia (ICIJ) cáo buộc, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2010, thời kỳ Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính và sau đó là Thủ tướng, Luxemburg đã hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia trốn thuế.
Vụ việc của Luxemburg đã buộc Liên minh châu Âu khởi động tiến trình điều tra chính sách giảm thuế của Luxemburg có phải là một hình thức trợ cấp quốc gia bất hợp pháp cho doanh nghiệp hay không.
Điều này đặt tân chủ tịch cơ quan hành pháp Liên minh châu Âu vào tình thế phức tạp. Dư luận châu Âu đang đặt câu hỏi liệu hoạt động điều tra có hiệu quả khi người đứng đầu Ủy ban châu Âu lại chính là người bị nghi ngờ có vai trò quan trọng trong vụ việc trên. Giờ đây, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đang đối mặt với một bài toán khó khi phải tìm cách thu xếp ổn thỏa giữa một bên lợi ích quốc gia với một bên là lợi ích của một liên minh kinh tế khu vực mà Luxemburg là một thành viên.
Trên tất cả, những tranh cãi trong Nghị viện châu Âu cho thấy một bất đồng trong nội bộ châu Âu. Trong bối cảnh chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, châu Âu đang cần một sự đoàn kết nội khối và đem lại lợi ích cho người dân châu Âu. Thế nhưng, những bất đồng hiện tại đã gây không ít cản trở tiến trình phục hồi và phát triển của Liên minh châu Âu./.